Báo Thanh Niên từng phản ánh câu chuyện cầu Cẩm Kim bắc qua sông Thu Bồn nối TP.Hội An với TX.Điện Bàn (Quảng Nam) được đầu tư gần 240 tỉ đồng và cầu Bình Đào bắc qua sông Trường Giang nối xã Bình Triều với Bình Đào (H.Thăng Bình) được đầu tư 43 tỉ đồng dù xây xong đã lâu nhưng không thể thông xe vì... không có đường dẫn lên cầu.
Ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Bình Đào, lý giải nguyên nhân khiến đường dẫn lên cầu Bình Đào chưa thể xây dựng là do vướng mặt bằng của 2 hộ dân. Trong tháng 2 này, nếu 2 hộ dân không chịu di dời, chính quyền sẽ cưỡng chế.
Dường như khi được hỏi nguyên nhân nào khiến cầu xây xong lại không có đường dẫn, nhiều lãnh đạo địa phương giải thích là do vướng khâu giải tỏa đền bù, rằng người dân đòi hỏi giá đền bù cao và vượt quá khả năng của địa phương. Tuy nhiên, số đông người dân lại nghĩ khác. Theo họ, trước khi tính phương án xây dựng cầu, địa phương phải tính đến quyền lợi của người dân. Tại sao các ngành chức năng không thỏa thuận đền bù với người dân trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của nhà nước, của người dân và xã hội? Việc xây cầu phải tính luôn dự trù kinh phí giải tỏa, đền bù, tại sao đến khi làm cầu xong bảo chưa tính đến việc này?
Trước khi trả lời thấu đáo các câu hỏi trên, thì chuyện đầu tư tiền tỉ nhưng không có đường dẫn khiến cầu phải bỏ hoang được coi là “điển hình” của sự lãng phí, không riêng ở Quảng Nam. Nhiều tỉnh, thành khác thi thoảng cũng xuất hiện tình trạng này. Cầu xây xong “phơi mình” nằm chờ đường dẫn không khác gì chuyện cái cày đi trước con trâu. Điệp khúc “cầu chờ đường” cho thấy có sự thiếu nhất quán trong quy hoạch, thiếu đồng bộ trong triển khai. Tiền tỉ đã rót, cầu đã xây xong mà người dân không được hưởng lợi, chưa nói bỏ hoang càng dễ khiến công trình nhanh xuống cấp.
Bình luận (0)