(Tin Nóng) Kỹ sư Adolf Tolkachev, làm việc tại phòng nghiên cứu vũ khí và công nghệ radar của quân đội Liên Xô đã bí mật cung cấp các tài liệu cùng linh kiện hiện đại cho CIA suốt 6 năm trời, và CIA đã tổ chức những phi vụ thót tim để tiếp cận điệp viên trị giá hàng tỉ USD này.
Một bức tranh vẽ Tolkachev đang chụp ảnh các tài liệu mật của quân đội Liên Xô bằng máy ảnh Pentax trên chiếc ghế trong nhà ông ở Moscow, ảnh treo tại trụ sở của CIA ở Langley, Virginia - Ảnh từ sách Điệp viên tỉ đô
|
Tolkachev được CIA đánh giá là điệp viên quan trọng và có giá trị nhất mà CIA tuyển mộ được ở Liên Xô. Những tài liệu mật cùng các bo mạch điện tử mà anh ta lấy cắp từ phòng thí nghiệm bí mật chuyên nghiên cứu về radar và vũ khí của quân đội ở Moscow đã giúp Mỹ chiếm ưu thế trên không suốt thời gian dài, giúp máy bay ném bom cũng như tên lửa hành trình của Mỹ có thể hoạt động khỏi tầm ngắm của radar Xô Viết. Chính vì vậy Không lực Mỹ đã đánh giá Tolkachev đã giúp Mỹ tiết kiệm được ít nhất 2 tỉ USD chi phí nghiên cứu và phát triển.
Tolkachev là ai?
Washington Post ngày 3.7 trích cuốn sách sắp phát hành “Điệp viên tỉ đô” của David Hoffman (dựa trên các tài liệu được giải mật của CIA) cho biết những năm đầu của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, CIA khó lòng tuyển mộ được điệp viên tại Liên Xô, nhất là tại thủ đô Moscow đầy các điệp viên cũng như nhân viên phản gián Liên Xô.
Một đêm đầu năm 1977 lạnh giá, một người đàn ông Nga tiếp cận một nhân viên CIA ở một cây xăng dành cho người nước ngoài ở Moscow, đưa ra mẩu giấy đề nghị làm việc cho Mỹ. Sợ đây là cái bẫy của Cơ quan phản gián Liên Xô (KGB), phía Mỹ từ chối.
Adolf Tolkachev tiếp tục tiếp xúc với phía Mỹ 7 lần nữa vào năm 1978, thậm chí có lần cản đầu xe của trưởng trạm CIA ở Moscow để gây chú ý, và cuối cùng người Mỹ hiểu ra rằng anh ta muốn làm gián điệp.
Là kỹ sư cao cấp tại một phòng thí nghiệm không gian vũ trụ tối mật của Liên Xô, Tolkachev đã bí mật chụp ảnh hàng ngàn trang tài liệu về thiết kế, sơ đồ và báo cáo về các hệ thống radar mới nhất, hệ thống điện tử, hệ thống hướng dẫn và thiết kế máy bay chiến đấu.
Trong một thành phố như Moscow với lực lượng hùng hậu nhân viên phản gián KGB, ông đã gặp 21 lần với các sĩ quan CIA trong 6 năm trời mà không bị phát hiện. CIA sớm coi Tolkachev là viên ngọc quý trong mạng lưới gián điệp của họ.
Tolkachev có mẹ vợ bị hành quyết và cha vợ bị bắt đi lao động khổ sai thời kỳ thanh trừng của lãnh tụ Stalin những năm 1930. Do vậy ông ta muốn trả thù bằng cách cung cấp bí mật quân sự cho Mỹ, bất chấp những rủi ro. Hình phạt dành cho tội phản quốc tại Liên Xô là bị xử tử, nên Tolkachev không muốn chết dưới tay của KGB. Ông ta yêu cầu và nhận được một viên thuốc tự tử từ CIA để có thể sử dụng nếu bị bắt.
Tolkachev lén đem hầu hết các tài liệu bí mật ra khỏi văn phòng của ông vào giờ ăn trưa, giấu trong áo khoác và về nhà, chụp hình chúng bằng một máy ảnh Pentax loại dùng phim 35 mm kẹp vào một chiếc ghế trong căn hộ của mình. Đổi lại, Tolkachev yêu cầu CIA đưa tiền, chủ yếu như là “một dấu hiệu của sự tôn trọng”. Ở Moscow hồi đó không có nhiều thứ để mua sắm, ông ta chỉ muốn có các album nhạc phương Tây - của The Beatles, Led Zeppelin, Uriah Heep… cho cậu con trai của mình.
Washington Post cho biết Tolkachev thường giao tài liệu cho nhân viên CIA ở những địa điểm tại Moscow, và mỗi lần nhân viên CIA đến đó là một lần thót tim với các pha đánh lừa KGB trên đường phố. Sau đây là 2 phi vụ điển hình cho trò chơi mèo vờn chuột này.
Cây xăng ở Moscow, nơi Adolf Tolkachev lần đầu tiên tiếp xúc nhân viên CIA ngày 12.1.1977
|
Chiếc bánh sinh nhật và chiêu “linh miêu tráo chúa”
Vào đầu mùa đông năm 1982, CIA mất liên lạc với Tolkachev khi có 5 cuộc gặp theo hẹn đã bị bỏ lỡ.
Chiều tối ngày 7.12.1982, ngày hẹn gặp Tolkachev theo lịch, việc gặp gỡ được giao cho sĩ quan CIA tại toà đại sứ Mỹ ở Moscow là Bill Plunkert, cựu phi công hải quân. Ông ta khoảng hơn 30 tuổi, đã đến gia nhập trạm CIA ở Moscow vào mùa hè. Nhiệm vụ của ông là vượt qua con mắt giám sát của KGB và tiếp xúc điệp viên.
Buổi tối hôm đó, vào khoảng giờ ăn tối, Plunkert và vợ cùng với vợ chồng trưởng trạm CIA bước ra khỏi Đại sứ quán Mỹ đến bãi đậu xe, dưới con mắt giám sát liên tục của cảnh vệ Liên Xô do KGB cài cắm bên ngoài toà đại sứ. Họ vào một chiếc xe hơi, trưởng trạm CIA lái xe, Plunkert ngồi bên cạnh ở ghế trước. Vợ của họ ở phía sau, cầm một chiếc bánh sinh nhật lớn.
Gián điệp là nghệ thuật của sự hoá trang. Tối nay, Plunkert là nhà ảo thuật. Bên dưới bộ quần áo đường phố của mình, ông mặc một bộ thứ hai điển hình cho một người đàn ông Nga lớn tuổi. Chiếc bánh sinh nhật là giả, với đầu trên trông giống như một chiếc bánh nhưng giấu một thiết bị bên dưới, do kỹ sư của CIA chế tạo, gọi là “jack trong chiếc hộp”. CIA biết rằng các nhóm giám sát của KGB gần như luôn luôn bám theo sau chiếc xe của họ và hiếm khi chạy song song bên cạnh. Đó là lúc mà chỉ cần quẹo nhanh vào một góc phố để một sĩ quan CIA phóng nhanh khỏi xe là có thể thoát được tầm nhìn của KGB từ phía sau trong giây lát.
The căn cước giả do CIA làm để Adolf Tolkachev có thể vào các cơ sở lưu trữ tài liệu mật trong phòng thí nghiệm của quân đội, nơi ông ta công tác
|
Trên xe, Plunkert cởi lớp quần áo đường phố Mỹ của mình, đeo lớp mặt nạ trùm cả mặt và với kính đeo mắt, anh ta bây giờ đã trở thành một người đàn ông Nga lớn tuổi. Ở phía sau với khoảng cách xa, chiếc xe của KGB vẫn bám theo. Lúc đó là 19 giờ tối.
Chiếc xe rẽ vào một góc phố, Plunkert mở cửa và nhảy ra ngoài. Cùng lúc đó, một phụ nữ ngồi sau xe đặt nhanh chiếc “bánh sinh nhật” lên chiếc ghế của Plunkert, bấm nút. Lập tức từ chiếc bánh bung lên bộ phận gồm đầu và thân mình, như thể Plunkert vẫn còn ở trong xe. Rồi chiếc xe tăng tốc.
Bên ngoài, Plunkert đang sải bốn bước trên vỉa hè. Đến bước thứ năm, chiếc xe của KGB vừa quẹo vào góc phố, ánh đèn pha của xe chiếu rõ một người đàn ông Nga lớn tuổi trên vỉa hè. Chiếc xe của KGB lướt qua người đàn ông này và phóng đi bám đuổi chiếc xe của CIA.
Thiết bị “jack trong chiếc hộp” chưa từng được CIA sử dụng trước đó, và là nỗ lực tuyệt vọng của họ những tuần qua để có thể qua mặt KGB mà tiếp xúc với Tolkachev. Và đêm nay “jack trong chiếc hộp” đã hoạt động thành công.
Phi vụ cải trang và đánh lạc hướng thót tim
Trạm CIA ở Moscow là một căn phòng bảo mật cao, kích thước chỉ bằng một toa tàu chở gia súc, nép mình bên trong Đại sứ quán Mỹ. Các nhân viên tình báo tiếp xúc đối tượng của CIA tụ tập ở các bàn làm việc nhỏ, xem xét kỹ lưỡng các bản đồ trên tường với các chấm màu đỏ đánh dấu những điểm nóng có KGB, và tỉ mỉ vẽ từng di chuyển.
David Rolph, trong chuyến phục vụ đầu tiên cho CIA, là sĩ quan tiếp xúc với Tolkachev vào năm 1980. Vào cuối buổi chiều ngày 14.10.1980, anh ta ra khỏi trạm và đi về nhà. Một giờ sau, anh trở lại Đại sứ quán với vợ, ăn mặc như đi dự một bữa tiệc tối. Cảnh vệ Liên Xô đứng gác bên ngoài, thấy họ đi vào tòa nhà. Rolph và vợ đi vào một hành lang hẹp đến một gian phòng, đẩy cửa bước vào. Gian phòng này của người chỉ huy phó phụ trách kỹ thuật của CIA, giúp trang bị cho điệp viên các thiết bị điện tử gắn trên người.
Viên phó chỉ huy ra hiệu Rolph im lặng. Hai người này có cùng chiều cao và vóc dáng. Trong sự im lặng, Rolph bắt đầu cải trang mình thành viên phó chỉ huy, từ tóc dài quăn đến bộ râu y như thật. Sau đó Rolph được trang bị một máy quét radio, ăng-ten và tai nghe để theo dõi việc liên lạc đàm thoại của KGB trên đường phố.
Từ ngưỡng cửa, Rolph nghe thấy giọng nói của viên trưởng chỉ huy kỹ thuật của CIA, người vừa mới đến và đã cố tình nói to, nhằm để cho các thiết bị nghe lén của KGB nghe được: "Này, chúng ta ra ngoài thăm cửa hàng phụ tùng mới nhé". Và viên phó trả lời lớn tiếng: "Tuyệt! Chúng ta đi thôi".
Nhưng người phó thực sự thì không rời căn phòng, mà “người phó” ra khỏi phòng chính là Rolph trong lốt phó chỉ huy kỹ thuật. Vợ của Rolph, trong bộ đồ tiệc tối, sẽ ngồi trong gian phòng cùng viên phó đích thực suốt 6 giờ sau đó. Họ không thể thốt ra dù một từ, vì KGB có thể nghe được.
Đầu tiên là hai người trưởng và “phó” qua được chốt gác ngoài Đại sứ quán mà không bị phát hiện. KGB thường bỏ qua các nhân viên kỹ thuật của Đại sứ quán Mỹ khi họ lái chiếc xe Volkswagen xanh be cũ kỹ khỏi sứ quán để đi ăn hoặc mua hoa hay các phụ tùng xe hơi. Đêm nay, chiếc xe rời cổng sứ quán, viên trưởng chỉ huy kỹ thuật cầm lái, Rolph ở ghế hành khách. Cửa kính chiếc xe thì dơ bẩn và viên cảnh vệ chỉ nhún vai khi họ đi qua.
Một lần trên đường phố, chiếc xe bỗng đi chậm lại, để quan sát. Mục tiêu của Rolph là thoát sự đeo bám theo dõi của KGB. Nhưng trong vài giờ sau đó, anh ta phải trải qua các cuộc thí nghiệm xem có thoát hẳn KGB hay không, một cuộc thử nghiệm mệt mỏi và căng thẳng thần kinh, để có được cơ hội đầu tiên của mình gặp gỡ “điệp viên tỉ đô” Tolkachev.
Chiếc xe dừng lại ở một cửa hàng bán hoa, là điểm đầu tiên và thường xuyên của họ, cũng là cách để xem có xe giám sát của KGB hoặc các nhân viên phản gián KGB lảng vảng quanh đó hay không. Rolph vẫn ngồi phía sau xe và không thấy có gì đáng quan tâm.
Sau một tiếng rưỡi lái xe, Rolph bắt đầu đếm ngược thời gian. Trong khi chiếc xe vẫn di chuyển, Rolph nhanh chóng cởi bỏ đồ ngụy trang và đặt nó vào một cái túi nhỏ trên sàn. Anh ta cầm lấy chiếc túi mua sắm đã được chuẩn bị cho Tolkachev và nhét vào một chiếc áo khoác len. Chiếc xe dừng lại, chỉ đủ thời gian cho Rolph bước ra rồi chạy ngay.
David Rolph, sĩ quan thứ hai liên lạc với Tolkachev
|
Trên một đại lộ rộng lớn, Rolph đi đến một đám đông đang chờ xe điện, phương tiện giao thông chính của Moscow. Anh ta quan sát các hành khách trên xe, ghi nhớ cẩn thận những người bước lên với anh ta. Sau đó, anh đột ngột bước về phía cửa và nhảy xuống ở trạm dừng kế tiếp, để xem có người nhảy theo mình không. Không ai cả.
Rolph bắt đầu giai đoạn kiểm tra an ninh cuối cùng. Rolph tuy có sức khỏe, nhưng việc chơi trò mèo vờn chuột này quả là mệt mỏi. Thời tiết cuối thu vừa ẩm ướt và khó chịu. Miệng anh ta khô khốc, nhưng chẳng có nơi nào có thể dừng lại một cách an toàn. Các máy quét sóng radio vẫn yên lặng.
Tại một nhà hát nhỏ, Rolph đẩy cửa đi vào. Đây là nơi dừng chân đánh lừa thứ hai. Anh ta xem lịch biểu diễn và thông báo trên các bức tường, nhưng chủ yếu là để phát hiện xem có nhân viên KGB hay không. Rolph rời nhà hát với chiếc vé cho một buổi diễn nhưng không có ý định đi xem. Rồi Rolph đến một cửa hàng đồ cổ, hơi xa lạ so thói quen thông thường của mình. Vẫn không có gì.
Sau đó, anh ta đi vào một chung cư gần đó và bắt đầu leo lên cầu thang. Đây nhất định là chiêu kích hoạt cho một cuộc phục kích của KGB nếu có, họ không thể cho phép anh ta biến mất khỏi tầm nhìn trong một tòa nhà chung cư nhiều tầng. Thực tế Rolph chẳng có nơi nào để đi, và chỉ cố gắng kích động sự xuất hiện của KGB. Tại cầu thang xuống, anh ta ngồi xuống và chờ đợi. Chẳng ai đến cả.
Rolph đi vòng quanh. Đã 3 tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, KGB chẳng xuất hiện trong tầm nhìn của anh ta. Tuy nhiên, để chắc ăn, anh ta bước vào một công viên nhỏ, ngồi trên băng ghế. Rolph nhìn đồng hồ, còn 12 phút là đến cuộc hẹn.
Bây giờ là lúc để đi gặp Tolkachev. Rolph chắc chắn 100 phần trăm là không bị KGB theo dõi. Anh ta đứng lên và đi.
Đột nhiên, Rolph sững sờ khi nghe từ tai nghe âm thanh của nhân viên KGB. Họ nói lớn tiếng, rõ ràng từ các đội giám sát của KGB. Rolph như bị đông cứng, căng thẳng. Các tín hiệu âm thanh anh ta nghe được đôi khi có thể xuất phát từ một nhân viên KGB, hoặc nhân viên kỹ thuật điều hành nhầm lẫn khi nhấn nút.
Không có gì cả, cũng chẳng có dấu hiệu của bất cứ ai trong công viên. Rolph hít một hơi thật sâu.
Khi bạn đã bí mật, bạn là màu đen, là vô hình.
Cuộc tiếp xúc với “điệp viên tỉ đô” diễn ra hoàn hảo. Tolkachev đã đưa 25 cuộn phim chụp các bản sao của tài liệu tuyệt mật. Rolph trở lại chiếc Volkswagen, gắn lại râu và tóc giả, và họ lái xe quay về đại sứ quán Mỹ. Cảnh vệ Liên Xô gác bên ngoài thậm chí còn không thèm liếc nhìn họ.
Một lát sau, các cảnh vệ Liên Xô ghi nhận rằng David Rolph và vợ đường hoàng rời đại sứ quán, kết thúc bữa tiệc tối và về nhà.
Kết cục bi thảm của “điệp viên tỉ đô”
Hoạt động bí mật trong thời gian 8 năm, cuối cùng Tolkachev bị phát hiện do sự phản bội của một nhân viên CIA. Nhân viên Edward J. Howard, bị CIA sa thải, đã tìm cách trả thù bằng cách bán bí mật về Tolkachev cho KGB. Howard đã qua mặt sự giám sát của FBI và trở thành sĩ quan CIA đầu tiên đào thoát đến Moscow.
Khi KGB bắt Tolkachev ngày 9.6.1985, họ kẹp tay ông và nhanh chóng lột quần áo của ông ta để “điệp viên tỉ đô” không kịp sử dụng viên thuốc độc giấu trong đó. Tolkachev bị buộc tội phản quốc và bị xử tử cùng năm đó. Tolkachev khi hoạt động cho CIA cũng yêu cầu đưa tiền để đổi các tài liệu. Sau khi ông đòi 300.000 USD, CIA đã đưa cho ông chỉ có 300.000 rúp. Cuối cùng họ đã chuyển khoảng 2 triệu USD vào một tài khoản ở nước ngoài, mặc dù không rõ là gia đình của Tolkachev có nhận được một xu nào hay không. Tác giả cuốn sách “Điệp viên tỉ đô”, ông David E. Hoffman đã truy cập hơn 900 trang tài liệu của CIA được giải mật, phỏng vấn một số nhân vật liên quan để cho ra đời cuốn sách nói về một câu chuyện có thật, nhưng đầy các chi tiết kịch tính hấp dẫn hệt như truyện điệp viên hư cấu. Cuốn sách này do nhà xuất bản Doubleday ấn hành, sẽ ra mắt ngày 7.7.2015.
|
Anh Sơn
>> Tình báo Đức giúp Mỹ tìm ra Bin Laden ở Pakistan
>> Hồ sơ: CIA từng dùng trực thăng siêu êm đột nhập Vinh
>> Liên Xô thử quả ‘bom vua’ hạt nhân như thế nào
>> WikiLeaks tiết lộ sổ tay hướng dẫn điệp viên Mỹ lọt qua các cửa khẩu
>> 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ: Những điều chưa biết
>> Hồi ký của cựu giám đốc CIA gây tranh cãi
>> Đột nhập quán cà phê tuyệt mật tại trụ sở CIA
Bình luận (0)