Các xã này thuộc vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Đồng Nai và đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện việc điều tra khai thác khoáng sản trái phép ở huyện này.
Trong quá trình thực hiện việc điều tra, chúng tôi nhận thấy những người khai thác khoáng sản trái phép hầu như “không biết sợ”. Họ ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới vào các bãi đất, vốn là đất nông nghiệp, để đào đãi cát, rồi vận chuyển đi tiêu thụ.
Để ngăn chặn, UBND H.Đức Linh được cho là đã có nhiều giải pháp, trong đó có cả việc xử lý cán bộ ở cấp xã thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn một cách hiệu quả nạn “cát tặc”. Thế nhưng vì sao “cát tặc” không giảm?
Theo Sở TN-MT Bình Thuận, hiện nay Đức Linh không phải là địa phương thiếu nguồn cung cho người dân có nhu cầu xây dựng. Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 3 mỏ cát cho huyện này với diện tích gần 20 ha, trữ lượng gần gấp đôi nhu cầu. Điều đó cho thấy việc khai thác cát trái phép ở Đức Linh không phải vì nhu cầu xây dựng tại địa phương. Thực tế, khi theo những chiếc xe ben chở cát, chúng tôi phát hiện phần lớn cát trái phép từ mỏ của ông K., M... đều chở về địa bàn tỉnh Đồng Nai. Và chắc chắn, sẽ còn nhiều chuyến xe chở cát lậu nếu không được ngăn chặn.
Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại Đức Linh, thậm chí chuyển công an xử lý hình sự, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; luân chuyển cán bộ các xã có “cát tặc”. Yêu cầu này là cần thiết, tuy nhiên để xử lý nạn “cát tặc” trên địa bàn, cũng cần tính đến phương án phối hợp với địa phương lân cận là Đồng Nai để có biện pháp căn cơ, triệt để hơn.
Bình luận (0)