'Diệt' đòi nợ thuê

29/04/2021 04:49 GMT+7

Năm 2020, Quốc hội thông qua việc cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ kể từ ngày 1.1.2021. Thế nhưng, thực tế cho thấy ngành nghề này không hề ngưng hoạt động như quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau thời điểm cấm có hiệu lực, các công ty đòi nợ đã nhanh chân khoác chiếc áo mới mang tên “công ty mua bán nợ” để tiếp tục đòi nợ thuê. PV Thanh Niên đã điều tra thực tế và phản ánh trong loạt bài được đăng tải gần đây. Nhân viên công ty mua bán nợ không ngần ngại “khoe” rằng lực lượng đòi nợ của họ thuộc dạng “dữ dằn”, có nhiều chiêu trò để “con nợ” phải trả tiền. Thậm chí, họ còn có thể gây áp lực để người thân của “con nợ” phải trả nợ.
Khẳng định đó không hề quá lời, điển hình là trường hợp bà N.T.T.H (59 tuổi, ngụ H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) bị nhân viên Công ty mua bán nợ Kim Ngân (trụ sở chính ở Đắk Nông), nhiều ngày kéo đến nhà chửi bới, thậm chí dọa giết con trai bà. Tất cả chỉ nhằm buộc bà phải trả 2,7 tỉ đồng liên quan việc làm ăn, vay mượn của Đ.Q.T (31 tuổi, con bà H.) với anh N.N.N và bà T.T.H (cùng ngụ Bình Phước).
Thực tế, nhiều công ty đòi nợ thuê sau khi “chuyển đổi mô hình kinh doanh” sang mua bán nợ vẫn được chỉ đạo bởi một “đại ca có số má” nào đó. Không những vậy, biến tướng này còn có hẳn đội ngũ luật sư tư vấn trong từng phi vụ để né tránh sự trừng trị của pháp luật. Lực lượng đàn em “tay chân” bên dưới thì lách luật dưới hình thức cộng tác viên, không có hợp đồng lao động để công ty “mua bán nợ” có thể phủ nhận trách nhiệm đối với những người này.
Những thực tế này thể hiện thủ đoạn ranh ma của các công ty đòi nợ thuê!
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết tận gốc rễ, thậm chí “diệt từ trong trứng nước” đối với các công ty mua bán nợ mà thực chất là đòi nợ thuê. Nếu không, pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa bởi những băng nhóm tội phạm như vậy. Một khi các dịch vụ đòi nợ thuê vẫn ngang nhiên tồn tại, thì những bất ổn về trị an xã hội, những vụ hăm dọa, tạt mắm tôm… thậm chí hành hung người dân sẽ còn xảy ra.
Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu đòi nợ chính đáng của người dân, các cơ quan của ngành tòa án hay thi hành án cũng cần hoạt động hiệu quả. Đó cũng là một cách để người dân không còn tìm đến những dịch vụ đòi nợ thuê phạm pháp nhằm giải quyết các tranh chấp dân sự.
Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ như vậy, chúng ta mới mong dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị tiêu diệt tận gốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.