Điều chỉnh để học phí ĐH không tăng quá nhiều

03/01/2024 04:22 GMT+7

Sau 3 năm được yêu cầu không tăng, từ năm học 2023 - 2024, học phí đại học tăng trở lại nhưng được điều chỉnh để mức tăng thấp hơn so với Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81).

Ngày 31.12.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP (Nghị định 97) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 ngày 27.8.2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí (HP) đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.

Trường chưa tự chủ thu cao nhất 2,45 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 97, HP giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông từ năm học 2023 - 2024 được giữ ổn định bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Còn với giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp công lập thì vẫn được tăng theo tinh thần của Nghị định 81, nhưng lùi lộ trình 1 năm. Nghĩa là mức HP của năm học 2023 - 2024 sẽ được thu bằng mức HP năm học 2022 - 2023 được quy định trong Nghị định 81.

Điều chỉnh để học phí ĐH không tăng quá nhiều- Ảnh 1.

Đồng thời với việc tăng học phí là thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Nghị định 81, HP ĐH (với các cơ sở chưa đảm bảo tự chủ chi thường xuyên) năm học 2023 - 2024 mức cao nhất là khối ngành y dược với 2,76 triệu đồng/tháng; thấp nhất là khối ngành nghệ thuật với 1,35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Nghị định 97 đã điều chỉnh để học phí ĐH các khối ngành đều thấp hơn so với Nghị định 81.

Cụ thể, mức HP năm học 2023 - 2024 theo Nghị định 97 như sau (số trong ngoặc đơn là quy định cũ, theo Nghị định 81): khối ngành I (khoa học GD-ĐT giáo viên): 1,25 triệu đồng/tháng (1,41); khối ngành II (nghệ thuật): 1,2 triệu đồng/tháng (1,35); khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật): 1,25 triệu đồng/tháng (1,41); khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên): 1,35 triệu đồng/tháng (1,52); khối ngành V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y): 1,45 triệu đồng/tháng (1,64); khối ngành VI.1 (các khối ngành sức khỏe khác): 1,85 triệu đồng/tháng (2,09); khối ngành VI.2 (y dược): 2,45 triệu đồng/tháng (2,76); khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường): 1,2 triệu đồng/tháng (1,5).

Giãn lộ trình tăng đến năm học 2026 - 2027

Không chỉ giảm HP năm học 2023 - 2024 so với Nghị định 81, Nghị định 97 còn quy định giãn lộ trình tăng học phí ĐH, thay vì đến năm học 2025 - 2026 chạm mốc cao nhất trong khung mà Chính phủ quy định thì giờ đây năm học 2026 - 2027 mới chạm mốc cao nhất (xem box).

Tuy nhiên, theo Nghị định 97 thì từ năm học 2027 - 2028 trở đi, học phí ĐH được thu thế nào còn chưa rõ ràng. Theo Nghị định 81, từ sau năm học 2026 - 2027, các trường ĐH công lập tự xác định mức HP tương ứng với mức độ tự chủ tài chính và kiểm định chất lượng, mức tăng HP không quá 12,5%/năm. Nhưng Nghị định 97 đã bãi bỏ điều này.

Điều chỉnh để học phí ĐH không tăng quá nhiều- Ảnh 2.

Chính phủ ban hành Nghị định 97 để điều chỉnh lộ trình tăng học phí phù hợp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhưng quy định mức thu trên là với trường chưa tự chủ. Còn các quy định với trường tự chủ (nhiều mức độ) được quy định trong Nghị định 81 vẫn được giữ lại để tiếp tục thực hiện. Theo đó, trường ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được xác định mức HP tối đa bằng 2 lần mức trần HP mà Chính phủ quy định với trường chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức HP tối đa bằng 2,5 lần mức trần nói trên. Đối với chương trình đào tạo của các trường ĐH công lập đã đạt kiểm định chất lượng thì trường ĐH được tự xác định mức thu HP của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường mình ban hành (quy định này được áp dụng với những trường chưa tự chủ).

Học phí không "thực tăng"

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, dù Nghị định 97 được Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng trong quá trình xây dựng văn bản, các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ, xin ý kiến nhiều tập thể, cá nhân để tính toán, đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh HP.

Điều chỉnh để học phí ĐH không tăng quá nhiều- Ảnh 3.

Trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh HP đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và ngân sách nhà nước; hoặc đã tính đến việc đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 và duy trì nguồn lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng GD-ĐT, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực nhà nước đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm. Đồng thời với việc tăng HP là việc thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm HP cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nếu so sánh mức trần HP (của nhóm trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên) trên GDP/đầu người của năm 2015 (năm học 2015 - 2016) với năm 2023 (năm học 2023 - 2024), thì thấy HP không "thực tăng", thậm chí giảm ở hầu hết các ngành (trừ y dược và nông nghiệp). "GDP/đầu người năm 2015 là 45,7 triệu đồng, năm 2023 là 101,9 triệu đồng (tăng 2,23 lần). Nếu lấy mức trần HP vài khối ngành để so sánh thì thấy rõ điều đó. Ví dụ, khối STEM năm học 2015 - 2016 là 720.000 đồng/tháng, năm học 2023 - 2024 là 1,45 triệu đồng/tháng (tăng 2,01 lần)", ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 yêu cầu "đến năm 2021 hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp". Nghị định 81 được ban hành trên cơ sở thực hiện chỉ đạo Nghị quyết 19, để áp dụng từ năm học 2021 - 2022, trong đó quy định "mức HP năm học 2021 - 2022 bằng mức HP năm học 2020 - 2021; từ năm học 2022 - 2023, mức trần HP tăng theo lộ trình hằng năm". Nhưng vì đại dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các trường ĐH công lập giữ ổn định mức HP năm học 2022 - 2023 bằng mức HP năm học 2021 - 2022. Như vậy, mức HP của các trường ĐH công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020 - 2021, 2021 - 2022 và 2022 - 2023).

Học phí đại học sắp thay đổi như thế nào?

Năm học 2023 - 2024, nếu các trường ĐH quay trở lại áp dụng theo mức trần HP của Nghị định 81 thì mức thu HP sẽ tăng khá cao so với mức HP năm học 2022 - 2023. Nghị định 97 được ban hành là để điều chỉnh lộ trình HP phù hợp, để mức tăng không quá cao.

Áp dụng đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm HP

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, các quy định về chính sách hỗ trợ, miễn giảm HP cho các đối tượng ưu tiên của Nghị định 81 vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Các đối tượng được miễn HP gồm: sinh viên (SV) khuyết tật, SV người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo; SV học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh học chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước; SV người dân tộc thiểu số rất ít người; người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn HP theo quy định của Chính phủ; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh theo quy định luật Giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, học sinh, SV học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được giảm 70% học phí.

Bên cạnh đó, nhà nước còn có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, SV khác (ngoài các quy định trong Nghị định 81) như chính sách tín dụng SV; chế độ học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách; học bổng chính sách trợ cấp xã hội đối với học sinh, SV vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.