Tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự điều hành giá xăng dầu hiện nay. Xung quanh đề xuất này có nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, lý giải do giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao trong năm, đặc biệt giá dầu tăng đến mấy chục phần trăm, giá khí cũng “ăn theo” dầu, giá than tăng đến 600% so với đầu năm ngoái… trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019, chưa được điều chỉnh. Với những diễn biến nói trên, theo người đứng đầu EVN, tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN) trong năm nay và thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả tiền cho các đơn vị bán điện, hệ số xếp hạng tín dụng của DN, việc vay vốn ngân hàng…
“Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh. Trước đó, tập đoàn này tính toán ước năm nay có thể lỗ hơn 31.000 tỉ đồng và đã đề xuất cấp có thẩm quyền tăng giá điện.
EVNHCMC |
Cũng từ đó, EVN kiến nghị được áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. Mà giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ, được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần/tháng (vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng). Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp. Trong khi giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Mức giá này duy trì từ tháng 3.2019 đến nay.
Cuối tháng 9 vừa qua, EVN cũng đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo đúng quy định của Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Ngoài ra, giá điện sinh hoạt hiện tính theo 6 bậc, từ 1.734 - 2.927 đồng/kWh theo quy định của Bộ Công thương tại Quyết định 648/2019.
Thế nhưng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng đề xuất của EVN là “rất khó thực hiện và còn lâu mới làm được”. Vì giá xăng dầu đang được điều chỉnh 10 ngày một lần và cũng tăng giảm theo giá mua vào của thế giới. Giá điện làm sao tính toán đầu vào để điều chỉnh 10 ngày một lần được khi sản xuất điện khác hoàn toàn việc mua xăng dầu về đổ vào bồn bán. Thứ hai, xăng dầu tuy cũng có DN chiếm thị phần chi phối nhưng số lượng DN tham gia cung ứng có đến 36 đơn vị đầu mối, nguồn cung linh hoạt hơn nhiều cho dù giá cả vẫn theo nhà nước kiểm soát. Giá điện chỉ do “một ông” bán ra là EVN, sao so sánh được?”.
Nên tính toán chi phí sớm
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, nhu cầu cấp thiết của ngành điện là sớm có thị trường mua bán điện công khai minh bạch; quy trình đấu thầu giá rõ ràng và giá bán của các nhà máy cho EVN… cần được minh bạch hơn. EVN đang gồng mình chịu lỗ vì giá đầu vào sản xuất điện tăng, nên cần tách bạch rõ các khâu để không quy vào “một rổ”.
“Đã có phản ánh là ngành điện thường ưu tiên mua điện của các đơn vị trong tập đoàn trước, ngoài tập đoàn ưu tiên sau. Giả sử giá bán điện từ ngoài tập đoàn tốt hơn thì sao? Có điều này không? Về giá bán, hiện giá bán lẻ điện cho người tiêu dùng cao hơn giá bán cho sản xuất. Giá điện cho sản xuất đang thấp hơn giá bình quân Chính phủ quy định. Giá Chính phủ quy định hơn 1.800 đồng, giá sản xuất chỉ hơn 1.600 đồng. Chúng ta có giá điện ưu tiên cho DN sản xuất, nhưng ưu tiên cho ai trong khi 70% sản xuất xuất khẩu của VN là của DN đầu tư nước ngoài (FDI). Như vậy, có phải ưu tiên chủ yếu là cho DN FDI hay sao. Trong khi lợi nhuận của DN lại mang ra nước ngoài. Tính thiếu minh bạch trong giá điện và cách chúng ta đang xây dựng giá cần xem xét lại là vậy”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích: “Điện lực và xăng dầu đều có tính độc quyền như nhau. Xăng dầu tuy có 36 DN đầu mối nhập khẩu nhưng cũng là độc quyền nhóm. Còn điện thì có một ông EVN. Theo đó, giá bán lẻ điện, xăng dầu đều không do DN quyết mà do nhà nước kiểm soát. Nên trong thực tế, giá bán lẻ điện có thay đổi thế nào, cũng phải có sự can thiệp và tính toán từ các bộ chuyên môn là bộ Tài chính và Công thương. Việc cấp bách là tính toán lại để tránh tình trạng hỗn loạn thị trường điện như thị trường xăng vì việc điều chỉnh chi phí không kịp thời”.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất của ngành điện chỉ là động thái “nhắc lại” cho các cơ quan chức năng biết mà thi hành quy định đã có chứ không có gì mới. Dẫn Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ông Long phân tích, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu từ phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Cũng theo quyết định này, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 - 5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh, biến động tăng 5 - 10%, thẩm quyền thuộc Bộ Công thương và trên 10% do Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.
“Quyết định 24 cũng quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trong khi giá điện hiện tại được tính từ tháng 3.2019 đến nay chưa được điều chỉnh lần nào do phải “kìm giá” để phục vụ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thế nên, kiến nghị của EVN thực tế là muốn thực hiện theo quy định đã có. Đề xuất này không mới, mới chăng là giá xăng dầu được điều chỉnh chi phí nhiều, sao giá điện chưa được điều chỉnh chi phí, tính toán lại để tính đúng, tính đủ như giá xăng dầu mà thôi”, ông Long nói.
Bình luận (0)