Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thay cho Quy định 90 ban hành năm 2017.
Theo đó, về tiêu chuẩn chung, các cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm. Các tiêu chuẩn này không có nhiều thay đổi so với quy định cũ.
Đối với chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, quy định mới nêu rõ phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành T.Ư; tham gia Bộ Chính trị trọn 1 nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành T.Ư quyết định. So với quy định cũ ban hành năm 2017 thì quy định vừa ban hành chỉ yêu cầu “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thay vì “hoàn thành xuất sắc” đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước.
Đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định yêu cầu phải là ủy viên chính thức Ban Chấp hành T.Ư trọn 1 nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư. So với quy định cũ, quy định mới cũng chỉ yêu cầu “hoàn thành nhiệm vụ” thay vì “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” như trước.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn khác đối với chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng có những điều chỉnh nhỏ. Chẳng hạn, đối với chức danh Tổng bí thư, quy định mới yêu cầu phải là người có uy tín cao trong T.Ư, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân, thay vì chỉ có uy tín trong T.Ư, Bộ Chính trị và toàn Đảng như quy định cũ.
Quy định mới cũng yêu cầu chức danh Tổng bí thư phải “bình tĩnh, sáng suốt” thay cho “quyết liệt” trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc...
Bình luận (0)