Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đáp ứng các hiệp định thế hệ mới

20/11/2018 06:22 GMT+7

Những ngành nghề có số việc làm ổn định tăng nhiều vẫn là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, lắp ráp điện tử...

Một trong những điều kiện về “chuẩn” lao động để phù hợp các công ước quốc tế và tương thích với cam kết của VN trong các hiệp định thương mại mới là thay đổi độ tuổi nghỉ hưu nhằm tạo ra bình đẳng giữa nam và nữ trong việc làm và nghề nghiệp.
Đó là nội dung tại hội thảo về Điều khoản lao động trong các FTA thế hệ mới do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 19.11.
Theo Viện Khoa học - Lao động xã hội, dự kiến từ năm 2020, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể tạo thêm 17.000 - 20.000 việc làm/năm; Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có thể tạo ra 18.000 - 19.000 việc làm. Những ngành nghề có số việc làm ổn định tăng nhiều vẫn là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, lắp ráp điện tử... Tuy nhiên, để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, người lao động cần phải đáp ứng các tiêu chí về lao động.
Lao động VN còn thụ động
Chính phủ cần nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách thị trường lao động tích cực, dự báo thay đổi trong thị trường việc làm, đưa đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới, cải thiện hệ thống giáo dục và cung cấp bảo trợ xã hội trong quá trình chuyển từ công việc này sang công việc khác.
Ông Chang Hee-lee, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động xã hội, cho biết qua khảo sát các doanh nghiệp (DN) cuối năm 2017, chỉ có DN FDI, DN lớn quan tâm và chuẩn bị cho CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung. Còn các DN vừa và nhỏ, người lao động (NLĐ) chưa sẵn sàng tham gia. “Đa số lao động của VN hiện nay chưa qua đào tạo. Nhiều nghiên cứu cho thấy kỹ năng là điều kiện cần thiết để NLĐ có việc làm tốt và tận dụng các cơ hội. Tuy nhiên, bản thân người NLĐ còn rất thụ động, chờ đợi. Thách thức đặt ra là đào tạo nguồn lao động đáp ứng được những yêu cầu của thị trường và thực hiện các cam kết về việc trả lương, đóng BHXH cho NLĐ…”, ông Vinh cho biết.
Ông Chang Hee-lee, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cũng nhận định Hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại những lợi ích về kinh tế cho VN, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, thách thức đối với lao động VN cũng không nhỏ, nhất là về nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao và vốn hiểu biết, kiến thức và ứng xử trong môi trường quốc tế. Đây là một thách thức phức tạp đối với cá nhân NLĐ - những người không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với sự thay đổi đó. Cá nhân NLĐ không thể đoán trước được những công việc nào sẽ biến mất và những kỹ năng mới nào sẽ cần trong tương lai.
Nam nữ bình đẳng trong việc làm
Mặc dù trong các điều khoản của hiệp định thương mại không đề cập cụ thể liên quan đến kỹ năng lao động của NLĐ, nhưng theo bà Marva Corley, chuyên gia ILO, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, việc chuẩn bị kỹ năng cho NLĐ là rất quan trọng để họ đáp ứng nhu cầu trong các ngành, đặc biệt là ngành trao đổi xuất khẩu giữa các quốc gia. Bà Marva Corley chia sẻ: “Nếu chúng ta nhìn rộng hơn sẽ thấy tầm quan trọng của kỹ năng đối với NLĐ. Khi có kỹ năng họ sẽ tham gia vào các hoạt động kinh doanh sản xuất rất tích cực; họ sẽ có đối thoại tốt hơn với chủ sử dụng lao động và sẽ tạo ra các bước tiến bộ cho DN. Các bước tiến bộ của DN có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, điều kiện làm việc của NLĐ và tác động lớn hơn cho toàn xã hội. Đó là lợi ích từ các FTA thế hệ mới và là điểm rất quan trọng mà VN cần suy nghĩ chuẩn bị kỹ năng cho NLĐ”.
Một trong những điều kiện về “chuẩn” lao động để phù hợp các công ước quốc tế và tương thích với các cam kết của VN trong CPTPP và EVFTA mà tới đây VN sẽ thay đổi nhằm tạo ra bình đẳng giữa nam và nữ trong việc làm và nghề nghiệp là độ tuổi nghỉ hưu. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trong bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 6.2019 sẽ có nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60. Ông Bình cho hay:
“Có nhiều lý do, căn cứ để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, trong đó có lý do để đáp ứng với tiêu chuẩn và cam kết quốc tế. Đây cũng là một trong các chủ đề liên quan đến nhóm tiêu chuẩn bình đẳng, không phân biệt đối xử về mọi khía cạnh trong việc làm và nghề nghiệp. Tiêu chuẩn này được đề cập rất nhiều trong các công ước quốc tế mà VN đã là thành viên. Trong đó, yêu cầu đặt ra là lao động nam và lao động nữ phải được bình đẳng về việc làm, cơ hội việc làm, bao gồm cả tuổi nghỉ hưu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.