Điều động tàu tên lửa đến Trường Sa, Trung Quốc đang âm mưu gì ?

03/04/2021 11:23 GMT+7

Tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, sau khi điều hàng trăm tàu dân binh hiện diện gần bãi Ba Đầu, Trung Quốc triển khai thêm 3 tàu tên lửa tàng hình tấn công nhanh đến bãi Chữ Thập khiến giới quan sát lo ngại.

Mối đe dọa nghiêm trọng

Theo tờ The Inquirer, Trung Quốc vừa điều động 3 tàu tấn công nhanh Type 022 mang tên lửa đến khu vực bãi đá Vành Khăn. Đây là một trong 3 bãi đá gồm Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và xây dựng hạ tầng quy mô lớn, đủ để triển khai cả các máy bay chiến đấu cỡ lớn. Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc từ đầu tháng 3 đã điều động hơn 200 tàu dân binh hoạt động vây quanh đá Ba Đầu cũng ở Trường Sa.

Tàu tên lửa Type 022 có khả năng tàng hình

MARITIME SECURITY STRATEGY

Trả lời Thanh Niên ngày 2.4, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: “Tàu tên lửa tàng hình tấn công nhanh Type 022 thường bị hạn chế bởi tầm bắn và khả năng hoạt động xa bờ, nên việc triển khai xa đến Trường Sa là rất đáng quan tâm. Nếu không được triển khai thường trú thì đây có khả năng là triển khai luân phiên. Các tàu Type 022 sẽ hình thành sức mạnh tấn công cơ động hỗ trợ các đơn vị thường trú của quân đội Trung Quốc đang đóng tại các tiền đồn ở Trường Sa”.
Bên cạnh đó, TS Swee Lean Collin Koh đặt ra lo ngại các tàu Type 022 sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho lực lượng hàng hải của các nước khác trong khu vực.

Chiêu trò của Bắc Kinh

Thực tế, việc điều động tàu chiến của hải quân theo sau các lực lượng tàu dân binh và tàu hải cảnh chính là chiêu trò “3 lực lượng” mà Trung Quốc đang sử dụng hòng kiểm soát Biển Đông.
Như ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) từng phân tích với Thanh Niên, việc triển khai đến
200 tàu dân binh áp sát một thực thể có thể gây đe dọa lớn cho ngư dân nước khác. Ông chỉ ra: “Tàu cá dân binh thực tế là lực lượng bán vũ trang, được tuyển chọn từ ngư dân Trung Quốc, hoạt động dưới “bình phong” là nghề cá”. Từ đó, các hành động gây hấn, thậm chí gây chiến của tàu dân binh được “núp bóng” dưới hình thức tàu dân sự, chứ không phải tàu quân sự, nên Trung Quốc có thể chối bỏ trách nhiệm.

Hình ảnh các tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu

NTF-WPS

“Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên hoạt động gần tàu dân binh trong các trường hợp như trên, để sẵn sàng hỗ trợ khi tàu công vụ của các nước khác trong khu vực phản ứng”, ông Schuster phân tích, đồng thời chỉ ra lực lượng tàu chiến hải quân sẽ hậu thuẫn cho các lực lượng tàu dân binh và tàu hải cảnh.
Cứ thế, dân binh biển cùng với hải cảnh và hải quân sẽ tạo thành 3 lớp lực lượng vũ trang với các tầng mức khác nhau được Bắc Kinh sử dụng để tăng cường kiểm soát nhằm đạt được tham vọng thâu tóm Biển Đông.
Hiện nay, khu vực Trường Sa đang tập trung gần như đầy đủ 3 lực lượng trên. Trong bối cảnh như vậy, rất có khả năng Trung Quốc đang âm mưu tiến hành một kịch bản như từng áp dụng hồi năm 2012 để chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough - vốn trước đó do Philippines kiểm soát.
Khi đó, Trung Quốc cũng điều tàu “dân sự” đến đánh bắt trái phép gần Scarborough. Khi bị tàu tuần tra của Philippines xử lý thì tàu hải giám Trung Quốc, nay đã sáp nhập vào lực lượng hải cảnh của nước này, đến can thiệp giải vây. Tình hình sau đó trở nên căng thẳng và sau một thời gian giằng co thì cuối cùng Trung Quốc đã kiểm soát thực tế bãi cạn Scarborough. Sau khi kiểm soát bãi cạn này, Trung Quốc đã từng bước biến nơi đây trở thành một trong các tiền đồn ở Biển Đông.
Chính vì thế, trong bối cảnh Trung Quốc đã điều động 3 lực lượng trên đến khu vực quần đảo Trường Sa, thì nhiều khả năng Bắc Kinh đang có mưu đồ chiếm quyền kiểm soát thực tế ở một hoặc một số bãi đá tại khu vực này.
Trung Quốc tiến hành đợt tập trận mới ở Biển Đông
Tối 1.4, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin bắt đầu từ ngày 1.4, quân đội Trung Quốc tổ chức đợt tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu thuộc khu vực Biển Đông và kéo dài đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, bản tin trên báo không cung cấp thông tin chi tiết hơn về đợt tập trận.
Đợt tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ va chạm trên không giữa máy bay đánh chặn J-8II của nước này với máy bay trinh sát hàng hải P-3 Orion của hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông.
Vụ va chạm xảy ra vào ngày 1.4.2001 khiến phi công máy bay J-8II thiệt mạng, trong khi máy bay P-3 Orion của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Phi hành đoàn của máy bay Mỹ gồm hơn 20 người đã bị Trung Quốc tạm giữ khoảng 10 ngày rồi mới trao trả.
Đài Loan củng cố phòng thủ đối phó Trung Quốc
Lực lượng tuần duyên Đài Loan (CGA) ngày 1.4 cho biết sẽ tăng cường phòng thủ xung quanh quần đảo Đông Sa do Đài Bắc đang kiểm soát ở Biển Đông, sau khi máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc xuất hiện gần khu vực này.
Theo trang Taiwan News, phát biểu trước các nghị viên, đại diện của CGA thông tin rằng UAV của Trung Quốc gần đây xuất hiện ở gần quần đảo Đông Sa nhằm do thám, thu thập thông tin. Theo đó, Trung Quốc có thể gia tăng các hành động tương tự trong bối cảnh mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ ngày càng thắt chặt. Giới chức Đài Loan không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng tàu tư nhân hoặc tàu hải cảnh để leo thang đe dọa, khiêu khích. CGA đang theo dõi sát sao vùng biển quanh Đông Sa để phát hiện tàu Trung Quốc, đồng thời thường xuyên diễn tập để cải thiện năng lực ứng phó mọi tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, CGA cũng sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác trong khu vực.  
Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.