Từ lâu, tiêu đã được xác định là loại cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, hướng đến làm giàu cho nông dân địa phương. Gần đây, tín hiệu vui cũng đến khi giá tiêu tăng khiến người trồng tiêu phấn khởi ra mặt. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 2.448 ha hồ tiêu, trồng tập trung ở các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ... Thế nhưng, hiện đã có hơn 350 ha tiêu nhiễm bệnh, trong đó, ít nhất 40 ha tiêu đã phải phá bỏ do nhiễm bệnh nặng. Nhiều địa phương thuộc Vĩnh Linh và Gio Linh từng được ví là “vương quốc của tiêu” giờ lại điêu đứng vì đây là 2 huyện có diện tích tiêu nhiễm bệnh nhiều nhất, lần lượt là 200 ha và 150 ha.
Trở tay không kịp
Tại xã Gio An (H.Gio Linh), nhiều diện tích tiêu chết một cách nhanh chóng. Ông Trần Văn Lanh (thôn Hảo Sơn) buồn rầu kể: “Mới vừa thấy lá xanh tươi, mấy ngày sau đã thấy lá vàng, còn nay thì cả trăm gốc chết thối rễ, phun thuốc không kịp”. Ông Lanh cũng thở dài cho biết gia đình sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể khôi phục vườn tiêu.
|
|
|
Nông dân cần áp dụng biện pháp đào rãnh thoát nước, chống đọng nước cho vườn tiêu. Đồng thời, kiểm tra vườn phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực để tiêu hủy, xử lý đất tại các trụ tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết, cần nhanh chóng thu gom, tiêu hủy cây và xử lý hố bằng vôi bột; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại...
|
|
|
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị
|
|
|
Trưởng thôn Hảo Sơn, ông Trần Đức Bình, cũng cho hay tình trạng tiêu nhiễm bệnh và chết trong thời gian ngắn diễn ra khá phổ biến tại các vườn, chiếm tỷ lệ hơn 50% diện tích. Theo ông Bình, bệnh lan rất nhanh và rộng; nhiều nhà vườn tiêu chết rụi nên đã mất trắng. “Không điêu đứng, không khóc sao được khi miếng cơm đến miệng rồi mà vẫn không được ăn. Người trồng tiêu mất hàng chục triệu đồng mỗi vườn”, ông Trần Văn Ngư, một nông dân ở Hảo Sơn, chua chát.
Không chỉ riêng Gio An, tại các xã Gio Bình, Gio Hòa, Trung Sơn... (cùng H.Gio Linh) cũng đang lâm cảnh tiêu chết hàng loạt với tốc độ chóng mặt, có vườn thiệt hại đến 40% diện tích. Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân khiến bệnh chết nhanh trên cây tiêu phát triển mạnh chủ yếu là thời tiết mưa, rét kéo dài làm độ ẩm đất trong các vườn quá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại. Đặc biệt, 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici lây lan rất nhanh. Các vườn hồ tiêu bị bệnh chết nhanh đều thấy các chóp rễ chuyển sang nâu đen, lá chuyển sang vàng rồi rụng, cây héo khô, chết chỉ trong vòng vài ngày. Do thời gian bùng phát bệnh rất nhanh, chỉ khoảng từ 3 - 7 ngày, khiến người dân trở tay không kịp. Cây tiêu héo cũng rất nhanh, từ khi xuất hiện triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ 1 - 2 tuần.
Ngăn không để dịch lan rộng
Điều đáng lo là, theo cơ quan khí tượng, thời gian tới Quảng Trị vẫn còn mưa rét, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 30 - 50%. Đây chính là “cơ hội” để bệnh trên cây tiêu tiếp tục lây lan.
|
|
Quy hoạch lại vùng tiêu
Về lâu dài, theo ông Trần Minh Tuấn, các địa phương quy hoạch lại vùng trồng tiêu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, không nên trồng tràn lan nhất là ở những vùng thấp, vùng trũng. Những vườn tiêu bị héo, chết xử lý cách ly một thời gian dài từ 1 - 2 năm mới trồng lại được...
|
|
|
Hiện tại, người trồng tiêu tại các địa phương ở Quảng Trị bằng kinh nghiệm của mình cũng đang cố sức cứu những vườn tiêu chưa nhiễm bệnh. Một mặt, họ chặt bỏ những cây tiêu đã chết khô, mặt khác dùng hóa chất can thiệp, bảo vệ những gốc tiêu còn khỏe mạnh. “Thôi thì còn nước còn tát, cứu được chừng nào hay chừng đó. Ít ra cũng vớt vát được đôi đồng để bù lại chút chi phí phân bón, giống và công sức bỏ ra lâu nay”, ông Quách Đình Dũng, một người trồng tiêu ở thôn An Bình (xã Gio An), cho hay. Chính quyền xã Gio An cũng đang phối hợp các ngành chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân phòng chống bệnh. “Hiện về cơ bản đã kiểm soát, không để bệnh lây lan. Tuy nhiên, trường hợp thời tiết mưa rét kéo dài, nguy cơ bùng phát trở lại rất lớn”, ông Lê Phước Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Gio An, lo lắng.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, cho biết vào những năm 2003 và 2005 bệnh tiêu chết nhanh cũng gây hại hàng loạt diện tích tại Cam Lộ và Hướng Hóa. Thời gian qua, thời tiết mưa nhiều nên dịch bệnh kéo dài và bùng phát mạnh. Trước tình hình trên, đơn vị tăng cường phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, cử cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn người dân xử lý kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, số diện tích tiêu bị chết hàng loạt không còn nhiều như tháng 12.2016 và tháng 1.2017 vừa qua... “Chi cục khuyến cáo nông dân cần áp dụng biện pháp đào rãnh thoát nước, chống đọng nước cho vườn tiêu. Đồng thời, kiểm tra vườn phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực để tiêu hủy, xử lý đất tại các trụ tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết, cần nhanh chóng thu gom, tiêu hủy cây và xử lý hố bằng vôi bột; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại...”, ông Tuấn nói.
Bình luận (0)