Điều gì giúp Napoleon trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc

12/02/2021 06:37 GMT+7

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới , cũng là một trong những nhà lãnh đạo tuổi Sửu.

Hoàng đế Napoleon Bonaparte sinh ngày 15.8.1769, vào năm Sửu - được xem là tuổi gắn liền với các tính cách kiên định, khả năng lãnh đạo, làm việc chăm chỉ, đứng đắn và ngoan cường.
Sự vươn lên của ông là một trong những câu chuyện ly kỳ nhất lịch sử châu Âu. Theo trang Discerning History, ông sinh ra ở đảo Corsica trong một gia đình Ý có nguồn gốc quý tộc. Chỉ trong vài thập niên, ông đã cầm quyền Pháp và chinh phục phần lớn châu Âu. Theo giới nghiên cứu, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc này làm được điều đó nhờ có các phẩm chất và kỹ năng cần thiết để nắm lấy các tình huống thuận lợi gặp phải và biến chúng thành lợi ích riêng.

Tấm vải dính máu của Hoàng đế Napoleon ra sàn đấu giá

Trong cuộc sống, ông có những nguyên tắc đáng để mọi người học hỏi, nhưng cũng có những nét tính cách của những nhà độc tài trong lịch sử khi thường lạm quyền.

Luôn luôn học hỏi

Phẩm chất đầu tiên của Hoàng đế Napoleon là ông luôn luôn kiên trì để bản thân vươn lên và tiếp thu các kiến thức giúp ông trong các nhiệm vụ trong tương lai. Khi còn trẻ, ông là một người hay đọc sách, nghiên cứu lịch sử, khoa học và triết học. Ông đặc biệt thích các nhân vật anh hùng như Caesar và Alexander Đại đế.
Sau này, mỗi khi hoạch định một chiến dịch quân sự, ông cũng đọc sách về những nơi ông sẽ tiến hành chiến dịch. Nghiên cứu lịch sử, địa lý và văn hóa của một quốc gia giúp ông chuẩn bị tốt hơn cho những gì sẽ đương đầu, và giúp ông tránh được những sai lầm mà các vị tướng trước đó mắc phải.
Ông còn là một người phỏng vấn giỏi. Dù là người kiêu hãnh, ông không ngại thể hiện rằng ông không biết nếu người nói chuyện có thể giúp ông khai sáng. Ông thường đưa ra các câu hỏi rất sâu sắc để có được các thông tin hữu ích. Dù là tổng tư lệnh, ông vẫn có lúc đích thân thẩm vấn tù binh, với hy vọng có được các thông tin.

Vị tướng tài ba

Napoleon nhập ngũ quân đội Pháp vào thời điểm nhiều người thăng tiến nhanh. Cuộc Cách mạng Pháp khiến nhiều sĩ quan bảo hoàng rời quân đội, và chiến tranh thường xuyên khiến những sĩ quan trẻ như Napoleon có cơ hội thăng tiến sau các chiến thắng.
Napoleon rất thành công trong các chiến dịch quân sự, và điều đó đặt nền tảng cần thiết cho thành tựu chính trị của ông. Ông tham gia 60 trận chiến và chỉ thua 7 trận, phần lớn đều gần đến phút cuối. Ông giỏi về chiến lược lẫn chiến thuật.

Diễn viên tái diễn trận Ligny để kỷ niệm 200 trận đánh Waterloo tại Bỉ vào năm 2015

Ảnh: Reuters

Trong nhiều chiến dịch, ông từng dùng số quân ít hơn đánh bại quân đội quy mô hơn, thông qua các biện pháp như di chuyển nhanh và táo bạo, chia cắt quân địch để tấn công, cắt đường lui của kẻ thù và làm những gì kẻ thù ít nghĩ đến nhất. Nhiều người cho rằng Napoleon là vị tướng tài giỏi nhất lịch sử thế giới.

Người tổ chức hiệu quả

Hoàng đế Napoleon không chỉ là vị tướng tài ba mà còn rất giỏi về hậu cần. Một trong những triết lý nổi tiếng của ông là “một đội quân hành quân bằng bao tử”.
Nếu các binh sĩ không được trang bị đầy đủ và ăn no, không thể hy vọng họ chiến đấu giỏi. Napoleon rất giỏi về hậu cần. Ông luôn đảm bảo mọi sự chuẩn bị sẵn sàng để các binh sĩ chiến đấu hiệu quả.
Ông từng viết nhiều lá thư chỉ đề cập đến giày, nhằm đảm bảo rằng các binh sĩ của ông có thể di chuyển tốt. Ông còn rất tinh khôn về tài chính. Dù chi nhiều tiền để xây các cung điện nhưng ông thường xuyên xem xét các chi phí và từ chối chi trả những khoản mà ông cho là vô lý.

Lỗi lạc

Một đặc điểm cơ bản trong tính cách của Hoàng đế Napoleon là sự lỗi lạc. Ông không chỉ thôn minh mà còn có thể xử lý nhiều việc cùng lúc.
Ông có thể ra lệnh cho các thư ký viết hết lá thư này đến lá thư khác về nhiều chủ đề khác nhau và thường không hề có thời gian dừng lại để suy nghĩ.
Ông còn có thể “phân mảnh” đầu óc. Dù đang trong một chiến dịch rất căng thẳng, ông vẫn có thể để tình huống đó sang một bên và nghĩ một cách rất minh bạch về một vấn đề hoàn toàn khác. Điều này giúp ông tận dụng thời gian tối đa.
Dù đang trong trận chiến, ông vẫn có thể để đầu óc trống rỗng khỏi mọi căng thẳng và tranh thủ chợp mắt khoảng 15 phút, để rồi thức dậy rất minh mẫn và tiếp tục chỉ huy trận chiến.
Ông có năng lực làm viêc phi thường và đôi khi làm việc suốt vài ngày mà hầu như không hề ngơi nghỉ. Napoleon có một khả năng ghi nhớ chi tiết đáng nể. Vào một chiến dịch năm 1805, một trong những chỉ huy dưới quyền ông không thể xác định vị trí của một đội quân.
Trong lúc các trợ lý tìm tòi trên bản đồ và trong các tài liệu, Hoàng đế Napoleon đã có thể nêu địa điểm chính xác bằng trí nhớ của ông.

Điều hành giỏi

Một điểm chung của nhiều nhà độc tài là họ giúp cải thiện khả năng điều hành tại quốc gia họ cai trị. Nhà độc tài Benito Mussolini (Ý) nổi tiếng vì làm cho các chuyến tàu hỏa chạy đúng giờ.
Điều này cũng đúng với trường hợp của Hoàng đế Napoleon. Khi cầm quyền tại Pháp, ông đã điều chỉnh nhiề vấn đề của nước này như đảm bảo các nhà thầu và binh sĩ được trả tiền đúng thời hạn. Ông khuất phục các băng cướp hoành hành tại nhiều nơi kể từ sau Cách mạng Pháp.
Bên cạnh đó, ông còn ban hành bộ luật pháp lý Napoleon, nền tảng cho luật pháp của Pháp ngày nay. Điều đó giúp Pháp có bộ luật thống nhất, xóa sổ các tàn dư của chế độ phong kiến.
Ông xem đây là thành tựu lớn nhất khi viết rằng: “Điều mà không gì phá hủy được, điều sẽ trường tồn là Bộ luật dân sự của tôi”.

Tuyên truyền thuyết phục

Hoàng đế Napoleon là bậc thầy tuyên truyền và tác động đến số đông. Ông biết rõ tầm quan trọng của ý kiến nhân dân, và sử dụng sức mạnh từ lời nói của mình để định hình nhằm phục vụ cho các mục đích của mình.
Khi cuộc Cách mạng Pháp nổ ra, ông là người ủng hộ phong trào chính trị Jacobin. Tuy nhiên, dần dần ông đã thay đổi nhiều nguyên tắc của cuộc cách mạng. “Cuộc cách mạng đã qua. Tôi chính là cách mạng”, ông phát biểu và đã thuyết phục được người dân Pháp chấp nhận ông là hiện thân của cách mạng, ngay cả khi ông đảo ngược nhiều nguyên tắc cuộc cách mạng mang lại.
Bản thân ông thích sống giản dị và mặc một bộ quân phục. Tuy nhiên, ông biết mọi người muốn thấy sự thể hiện, nên ông mặc các bộ trang phục ấn tượng và sống trong các cung điện xa hoa.
Ông còn sẵn sàng lợi dụng tôn giáo cho các mục đích của mình khi tự nhận mình là người Hồi giáo với người Hồi giáo Ai Cập, là người theo thuyết vô thần với cách mạng Pháp, và là người Công giáo với những tín đồ Công giáo châu Âu.
Ông biết rõ tầm quan trọng của báo chí nên thường cường điệu về những chiến thắng và che đậy những thất bại.

Thu hút lòng người

Nhiều đặc điểm trên phối hợp với nhau giúp Hoàng đế Napoleon có sức thu hút, thuyết phục và tạo lòng tin đối với các binh sĩ và nhân dân. Không lâu sau khi thoát khỏi thời gian lưu vong trên đảo Elba và trở về, ông gặp trung đoàn số 5 của quân đội Pháp từng được cử đi bắt ông.
Khi đó, ông chỉ xuống ngựa và đến nói với họ “tôi ở đây, hãy giết Hoàng đế của các bạn nếu các bạn muốn”. Điều này đã khiến các binh sĩ lập tức tham gia cùng ông trong công cuộc lấy lại quyền kiểm soát nước Pháp.
Trên chiến trường, ông toát ra khí thế chiến thắng dù trong tình huống tồi tệ nhất. Ông giúp tạo lòng tự tin trong binh sĩ, truyền cảm hứng và giúp họ tự tin vào chiến thắng.
Điều này đối với ông là rất quan trọng. “Sức mạnh tinh thần chứ không phải số lượng mới quyết định chiến thắng”, ông từng nói. Rời chiến trường, ông luôn thể hiện sự quan tâm đối với các binh sĩ. Ông luôn thăm hỏi và đảm bảo họ có đủ thực phẩm và những thứ cần thiết. Một sử gia từng viết rằng “Hoàng đế Napoleon truyền cảm hứng cho người Pháp cũng như người nước ngoài khiến họ vô cùng trung thành và tận tụy”.
Napoleon là Hoàng đế Pháp với đế hiệu là Napoleon I từ năm 1804 đến năm 1814 và trở lại ngôi vua vào năm 1815 trong 100 ngày trị vị. Napoleon đã thống trị gần như toàn bộ châu Âu hơn một thập niên khi dẫn dắt nước Pháp chống lại một loạt liên minh trong Các cuộc chiến tranh của Napoléon. Ông đã giành chiến thắng tại hầu hết những trận chiến, tạo ra một đế chế rộng lớn thống trị hầu như cả lục địa châu Âu trước khi sụp đổ vào năm 1815. Ông được xem là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, những cuộc chiến của ông đã được những học viện quân sự khắp thế giới nghiên cứu.
Về sau, năng lực của Hoàng đế Napoleon bắt đầu suy giảm. Ông tăng cân nhiều, sức khỏe suy kém, kéo theo khả năng làm việc cũng bị ảnh hưởng. Lòng kiêu hãnh và lòng tin và vận mệnh đã đẩy ông vào các cuộc chiến bất khả chiến thắng.
Dù Napoleon lớn tuổi không như lúc ông còn trẻ, lực lượng của ông vẫn khiến nhiều bên kiêng dè. Dù bị đánh bại bởi liên minh, ông trốn thoát khỏi đảo Elba và trong Cuộc chiến 100 ngày, ông đã giành lại quyền kiểm soát nước Pháp trước khi bị đánh bại trong Trận chiến Waterloo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.