Điều gì giúp TP.HCM gần 1 tháng qua không có ca tử vong do Covid-19?

05/05/2022 13:30 GMT+7

TP.HCM áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ để giảm tử vong do covid-19/" title="covid-19/' title='Covid-19' target='_blank' rel='noopener noreferrer'>Covid-19" target="_blank" rel="noopener noreferrer">Covid-19. Kết quả, kể từ ngày 8.4 đến nay, TP.HCM đã không có ca tử vong do Covid-19.

Ngày 5.5, gần 1 tháng TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19. Kết quả này có được là nhờ việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ tại TP.HCM. Thông tin trên được PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trình bày tại Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ XV năm 2022 Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.

Bệnh nhân nằm tầng 3 (bệnh nặng) nhưng vẫn bấm điện thoại giải trí được.

DUY TÍNH

"Cả thành phố hoang mang, lo lắng"

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, gần 1 năm trước, ngày lịch sử là 27.5, 3 ca Covid-19 nhập viện, làm bàng hoàng Sở Y tế, lãnh đạo TP.HCM. Từ 800 ca/tuần vào tháng 6, sau đó tăng lên 32.000/tuần, xác định chủng gây bệnh chính là biến thể Delta. Số ca tử vong cao nhất vào ngày 23.8 với 340 ca. TP.HCM quá tải hệ thống y tế và hệ thống cấp cứu. Xe cứu thương chạy lòng vòng từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tâm lý xã hội bất an.

Cùng với đó là các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, Trạm Y tế lưu động… được thành lập.

TP.HCM bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tử vong do Covid-19 nếu mắc bệnh

DUY TÍNH

Ngày 1.10, sau hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đi xuống, nhưng sau đó lại tăng trở lại, số tử vong tăng theo. Từ sau Tết Nguyên đán 2022 dịch bệnh ổn định, nhưng lại tăng vọt do biến thể Omicron, gần như nhà nào cũng có người mắc.

Những giải pháp kiểm soát dịch được thực hiện, đó là sử dụng thí điểm thuốc kháng vi rút Molnupiravir vào cuối tháng 8.2021. Đến đầu tháng 10.2021, có 70% dân số TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19.

“Có tiêm chủng, có thuốc nhưng tại sao sau 1.10 số mắc và tử vong vẫn gia tăng, mặc dù cũng là chủng Delta? Cả thành phố hoang mang, lo lắng”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Khi nào cần đi khám hậu Covid-19?

Áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, câu hỏi đặt ra là có thể áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ để giảm tử vong hay không? Theo ông, nguyên lý rất đơn giản, xác định có nguy cơ, đánh giá nguy cơ, đưa ra biện pháp và lượng giá hiệu quả.

Theo đó, mỗi ngày TP.HCM phân tích và đã xác định được người nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy, tử vong tập trung vào nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi; người có bệnh nền hơn 90% tử vong; số tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm 50%. Từ đó, ưu tiên nhóm trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá những người chưa tiêm vắc xin Covid-19, người chậm phát hiện ra bệnh (mắc bệnh mà không biết).

Hiện nay, chỉ còn 12 bệnh nhân thở máy xâm lấn

DUY TÍNH

Sau đó, TP.HCM triển khai trên toàn thành phố Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ bằng các giải pháp: Giảm nguy cơ lây nhiễm trên người cao tuổi, người có bệnh nền, tiêm vắc xin; hạn chế tối đa tiếp xúc F0 trong gia đình; phát hiện và điều trị sớm bằng test nhanh định kỳ; kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Cụ thể là lên danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn phường, xã; cho xét nghiệm hàng loạt phát hiện F0 điều trị bằng thuốc kháng vi rút; phát hiện người chưa tiêm vắc xin thì tiêm ngay, tiêm tại nhà; tổ chức tư vấn từ xa.

“Đã có rất nhiều gia đình từ chối tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ, phải thuyết phục nhiều lần, thậm chí phải triển khai đến nhà để tiêm”, PGS.TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Giảm rõ rệt các ca tử vong

PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết sau khi triển khai các biện pháp, đánh giá kết quả, thấy rõ nhất là tử vong giảm hẳn, gần 1 tháng không có ca tử vong. Hiện chỉ còn 9 ca thở máy xâm lấn (lúc cao điểm 1.058 người thở máy/ngày). Chủ động phát hiện 637.000 người thuộc nhóm nguy cơ, 25.333 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin Covid-19 (đã tiêm được 13.874 người) và 5.402 người mắc Covid-19 mà không biết, đưa vào điều trị sớm.

Gần 1 tháng nay, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19

DUY TÍNH

“Đợt cao điểm thứ nhất vào ngày 6.9.2021 có 154.000 ca mắc và 1.058 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ hai vào ngày 8.12.2021 có 84.643 ca mắc và 455 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ ba vào ngày 13.3.2022 có 108.30 ca mắc nhưng chỉ có 80 ca thở máy xâm lấn. Điều này cho thấy việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ đã cải thiện ca nặng và giảm tử vong”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết thêm.

Tính đến ngày 5.5, Bộ Y tế công bố tại TP.HCM có 609.530 ca mắc Covid-19 và 20.488 ca tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.