Theo Lifewire, hồi mới ra mắt năm 1983, chiếc điện thoại Motorola DynaTAC có giá cao chót vót là 3.995 USD. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, nó sẽ có giá 10.380 USD nếu được công bố vào thời điểm hiện tại. Chiếc iPhone đầu tiên trị giá 400 USD, nhưng iPhone 12 mini rẻ nhất bây giờ đã ở mức 729 USD. Samsung Galaxy ban đầu có giá 599 USD, còn mẫu phải chăng nhất của dòng này hiện tại có giá 799 USD.
Beth Klongpayabal - tác giả bài báo cáo về giá điện thoại trên Savings.com cho biết: "Apple và Samsung thống trị thị trường nhiều năm nên họ có khả năng định giá điện thoại flagship cao hơn. Apple còn được xem là thương hiệu xa xỉ suốt nhiều thập kỷ, điều này càng giúp họ tăng giá sản phẩm".
Nhiều người trong chúng ta sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để "lên đời" smartphone vài năm một lần. Trong khi đó, MacBook Air cùng các loại laptop chạy hệ điều hành Windows ít khi tăng giá, sử dụng ổn định và có vòng đời lâu hơn hẳn smartphone.
Nokia là nhà sản xuất điện thoại duy nhất ở phương Tây chưa có sản phẩm nào vượt mức 1.000 USD. Trên thực tế, những chiếc điện thoại cầm tay thuở sơ khai (1960 - 1980) của Motorola, Nokia thường có giá khá cao vì là công nghệ mới vào thời điểm đó.
|
Từ năm 1982 đến 2011, giá điện thoại có xu hướng giảm, phổ biến với công chúng hơn. Cũng trong thời gian này, giá bán trung bình của iPhone khá ổn định nhờ Apple mở rộng sản xuất nhiều mẫu điện thoại với nhiều mức giá khác nhau. Nhà phân tích Horace Dediu nhận xét: "Nếu tính lạm phát thì iPhone năm 2007 giá 600 USD sẽ có giá 742 USD vào bây giờ".
Giá điện thoại tăng dần từ năm 2012 cho đến nay. Theo nghiên cứu của Savings.com, giá iPhone tăng lên sau khi iPhone 6 ra mắt năm 2014 được định giá 650 USD. Chiếc iPhone đắt đỏ nhất hiện tại là iPhone Pro Max với giá từ 1.099 - 1.399 USD. Mẫu Galaxy S21 Ultra 5G 512 GB có giá 1.379 USD.
Những món đồ công nghệ không phải smartphone thì không tăng giá đáng kể. Klongpayabal cho biết: "Điện thoại là dòng sản phẩm có giá tăng đều mỗi năm, so với các sản phẩm khác như máy tính. Bạn có thể mua máy tính giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng".
Vì sao giá điện thoại cứ tiếp tục leo thang? Bên cạnh yếu tố lạm phát, khả năng định giá của nhà sản xuất, nguyên nhân còn là do khách hàng có nhu cầu và chấp nhận mua với mức giá đó. Theo số liệu của IDC, Samsung đã xuất xưởng 80 triệu điện thoại trong quý 3/2020, tiếp theo là Huawei với 52 triệu smartphone. Ở Mỹ, Samsung và Apple đạt hơn 70% doanh số smartphone năm 2020. Một mình Apple đã sản xuất một nửa số smartphone được bán ra tại Mỹ năm đó.
Với lượng khách hàng khổng lồ sẵn sàng chi tiền như vậy, các hãng smartphone cứ mặc sức tăng giá sản phẩm, trình làng thêm các mẫu điện thoại cao cấp hơn để thỏa mãn "cơn khát" công nghệ của người dùng. Đây là một chiến thắng thực sự đối với Apple và Samsung, và có vẻ như xu hướng tăng giá điện thoại sẽ không hề chậm lại trong những năm tới.
Bình luận (0)