Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày tác phẩm Perfect Strangers (tựa Ý Perfetti Sconosciuti) của đạo diễn Paolo Genovese trình làng công chúng thế giới, theo thống kê, đến nay có đến 18 phiên bản khác nhau làm lại từ phim này. Nhiều câu hỏi đặt ra: điều gì khiến Người lạ hoàn hảo được mến mộ rộng khắp như vậy?
'Bom tấn' tại phòng vé quê nhà
Bộ phim Perfect Strangers có cốt truyện khá đơn giản: một nhóm bạn tụ tập lại và chơi một trò đó là cùng đặt điện thoại lên bàn và kể tất tần tật những bí mật của mình từ nó. Từ trò chơi tưởng chừng chỉ mang tính vui vẻ và vô thưởng vô phạt này, nhiều tình huống dở khóc dở cười bắt đầu phát sinh, từ đó câu chuyện bắt đầu tiến triển theo một hướng xa hơn...
Khi ra mắt vào ngày 11.2.2016, Người lạ hoàn hảo của đạo diễn Paolo Genovese ngay lập tức tạo cú "hit" tại phòng vé quê nhà khi thu về tổng doanh thu nội địa là 19 triệu USD (trên 438 tỉ đồng). Tổng doanh thu toàn cầu của phim hơn 31,2 triệu USD (trên 715 tỉ đồng). Không chỉ đạt thành công phòng vé, bộ phim còn tạo được hiệu ứng tốt với giới phê bình phim khi nhận nhiều lời khen "có cánh" trên Rotten Tomatoes với mức chấm 77%.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ để nói về sức hấp dẫn vượt ngoài sự mong đợi của đạo diễn Paolo Genovese đối với "đứa con tinh thần" của ông. Bộ phim gặt hái được thành công vang dội tại một số giải thưởng điện ảnh, trong đó phải kể đến 2 giải là Phim hay nhất là Kịch bản xuất sắc nhất tại giải David di Donatello năm 2016, đây có thể ví là "Oscar nước Ý".
|
Theo một nguồn tin được tiết lộ trên trang allaboutitaly.net, tính đến ngày 15.7.2019, phim Người lạ hoàn hảo được tổ chức Guinness Thế giới xác lập kỷ lục là phim được làm lại nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh. Những bản làm lại của Perfetti Sconosciuti trải dài từ phương Tây đến phương Đông và các đạo diễn ở các quốc gia này vẫn trung thành với cái lõi của phim gốc.
Sau thành công ở quê nhà, Người lạ hoàn hảo của Ý bắt đầu cuộc "chu du" khắp thế giới qua các bản phim làm lại ở các nước như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hungary, Mexico, Pháp... và hiện tại đã "cập bến" ở thị trường phim Việt với phiên bản Tiệc trăng máu do Nguyễn Quang Dũng chỉ đạo. Tiệc trăng máu vẫn giữ nguyên hồn cốt của bản gốc nhưng được thêm thắt lại cho phù hợp với văn hóa Việt. Phim quy tụ dàn sao đình đám như Hứa Vĩ Văn, Thái Hòa, Hồng Ánh, Kiều Minh Tuấn...
Theo thống kê, với tất cả 18 phiên bản làm lại của Người lạ hoàn hảo (không tính Việt Nam), những phiên bản này đã thu về tổng số tiền phòng vé là 565 triệu USD (trên 13.000 tỉ đồng).
Cốt truyện phù hợp với nhiều nền văn hóa
Trang madmovieman.com có lý giải khá thú vị về việc Người lạ hoàn hảo được làm lại liên tục mà khán giả vẫn cảm thấy không chán khi xem. Đó là tác phẩm gốc cũng như nhiều phiên bản làm lại sau này đã đánh trúng "tim đen" của rất nhiều người trong xã hội đương đại về nỗi sợ bị lộ thông tin sâu kín của cá nhân, những điều mà chúng ta cố gắng giấu giếm và ít khi chia sẻ với ai. Các nhà biên kịch của phim gốc đã làm một điều đó là nắm bắt nỗi sợ thường trực, vô hình này thảy vào trong một mối quan hệ xã hội ràng buộc (mà con người thì không thể sống tách biệt hoàn toàn với xã hội loài người), điển hình ở đây là một cuộc gặp gỡ thân mật với bạn bè để từ đó "lẩy" lên màn ảnh những điều mà các nhà làm phim muốn truyền tải. Người lạ hoàn hảo được làm nhiều vì nó chứa đựng một câu chuyện cốt lõi mà khi các nhà làm phim ở các nước khác "mượn" về để sáng tạo lại, nó vẫn hợp, việc còn lại là làm sao biến bộ phim làm lại cho "khớp" với bối cảnh văn hóa bản địa. Càng nhiều phiên bản được làm ra, như trang này nhận định, người xem càng có nhiều lựa chọn và nhiều sự tò mò đi kèm. Tò mò để biết được cùng một câu chuyện, ở một nền văn hóa khác, nó được kể ra sao. Và cũng như nhiều nhân vật trong phim, chúng ta cũng rất tò mò muốn biết về bí mật của người khác sẽ được kể như thế nào.
Những phim khiến thế giới 'không ngán' khi làm lại liên tục
Theo thống kê của Insider tháng 12.2019, ngoài Người lạ hoàn hảo, điện ảnh thế giới có nhiều phim tiêu biểu được làm lại liên tục trong lịch sử và trở nên quá quen thuộc với nền giải trí đại chúng từ nhiều thập niên trước đến nay. Trong số đó, có thể điểm qua những cái tên tiêu biểu như A Star is Born (được làm lại 3 lần, bản gốc ra đời năm 1937, 3 bản làm lại vào các năm 1954, 1976 và 2018); phim câm, thể loại kinh dị là Phantom of the Opera ra đời năm 1925, được làm lại vào các năm 1943, 1962 và 1989; phim Oliver! (chuyển thể từ tiểu thuyết của Charles Dickens) ra đời năm 1968 nhưng là thể loại nhạc kịch, trước bản này, các phiên bản không thuộc nhạc kịch từng được sản xuất rơi vào các năm 1922, 1933, 1948, 2005 và 2007; phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà (chuyển thể từ tiểu thuyết của Victor Hugo) ra mắt lần đầu năm 1923, sau đó được làm lại vào các năm 1939, 1956, 1982, 1996 và 1997...
|
Bình luận (0)