Đạp xe một mình có nhiều điều thú vị
Cách đây 2 năm, Lê Thị Thùy Vân (giáo viên Trường THPT Bamboo, H.Hóc Môn, TP.HCM) từng một mình đạp xe xuyên Việt. Lúc ấy, cô giáo Vân chỉ mua xe đạp để đi lại từ nhà đến trường. Sau một thời gian, mê xe đạp hơn, Vân có quyết định táo bạo là đạp xe đạp xuyên Việt một mình.
Sở dĩ Vân chọn đạp xe một mình vì khá thú vị và bản thân có nhiều thời gian nhìn sâu mọi thứ, tâm hồn được tĩnh lặng, có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới, được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, và được khám phá thêm những vùng đất còn nhiều hoang sơ.
Vân cho rằng ngày nay phong trào thể thao như: đạp xe, chạy bộ... phát triển, lan tỏa mạnh mẽ. Các hội nhóm cũng dần lớn mạnh nên chuyện đạp xe xuyên Việt cũng trở nên thu hút nhiều người hơn. Đồng thời, đạp xe xuyên Việt hiện nay không khó. Bạn trẻ chỉ cần có xe đạp, đôi giày, thời tiết thuận lợi, sức khỏe là có thể đi được.
Còn Trường Hùng (28 tuổi, ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) từng 2 lần đi xe đạp xuyên Việt cho rằng hiện nay khi phong trào đạp xe trở nên lan tỏa hơn thì đạp xe xuyên Việt đã trở thành một xu hướng của người trẻ, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, thì việc đạp xe xuyên Việt không còn khó khăn như trước. Nhiều người cũng nhận thấy những lợi ích thiết thực của những chuyến đi trải nghiệm như thế này.
Trước hết là rèn luyện sức khỏe, kế đến là giúp người trẻ như Hùng tăng thêm vốn sống và trải nghiệm về cuộc sống. Nhiều câu chuyện sau chuyến đi xuyên Việt, Hùng trưởng thành hơn, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn, tìm ra được công việc yêu thích. Điều đó giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn, hay chính người có dự định đạp xe xuyên Việt an tâm hơn.
Cần chuẩn bị gì cho hành trình dài
Trước những chuyến hành trình, việc chuẩn bị là điều mà nhiều người nên chú ý và tuyệt đối phải làm, vì thế Thùy Vân cho biết bạn trẻ cần chuẩn bị những dụng cụ: xe đạp dạng touring đúng kích thước, đã được kiểm tra kỹ các bộ phận như vỏ, ruột xe, thắng, xích.... Các vật dụng cá nhân, bộ dụng cụ y tế, bộ sửa xe, ruột vỏ xe dự phòng, cục sạc dự phòng, GPS, đồ ăn, thức uống...
Chuẩn bị về thể chất như tập luyện cuối tuần chạy những cung đường ngắn tầm 30-50 km rồi tăng dần, cách sử dụng đề líp xe đạp để chạy phù hợp từng loại địa hình đường trường hay đèo dốc... Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng sinh tồn: lên trước lịch trình, kế hoạch mỗi ngày chạy từ đâu đến đâu, ghé chỗ nào, nơi nghỉ ngơi, tìm hiểu văn hóa vùng miền, khí hậu...
Trong khi đó, Trường Hùng chia sẻ thêm điều quan trọng nhất là phải lựa chọn một chiếc xe đạp tốt. Xe đạp tốt sẽ giúp cuộc hành trình của mình an toàn.
“Bạn cần chuẩn bị khoảng 2 lốp xe, 4 cái xăm xe, 1 bơm mini, dụng cụ vá bánh xe. Cùng với đó là kìm và cờ lê để vặn ốc xe đạp, đối với một vài loại xe có ốc lục giác, bạn cũng phải sắm thêm bộ khóa lục giác chữ L. Bạn có thể xem trước hướng dẫn trên vá bánh xe trên YouTube”, Hùng nói.
Bên cạnh đó, chuẩn bị quần áo - giày dép, ngoài quần áo lót, bạn mang áo gió, khăn lau mồ hôi, quần thể thao gọn nhẹ. Và mang một đôi giày thể thao nhẹ và vừa với chân. Chuẩn bị các thiết bị y tế như: Bông, băng, oxy già, tăm ngoáy tai, băng gâu, băng gạc quấn vết thương, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc cảm. Các thiết bị bên lề như đèn pin, cùng với đó có thể mang theo lều ngủ. Tiền và giấy tờ cá nhân cũng rất quan trọng. Tiền nên để chủ yếu trong thẻ ngân hàng, mỗi ngày chỉ cần rút khoảng 500.000 đồng tiền mặt. Trong ví nên có một tờ giấy ghi rõ địa chỉ và số điện thoại người thân, phòng trường hợp gặp tai nạn.
Lưu ý gì trên những cung đường
Đối với Vân, khi đạp xe cần lưu ý về sức khỏe như: ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, không đạp giờ trưa nắng gắt từ 11-14 giờ mỗi ngày. Giờ bắt đầu đạp đẹp nhất là 5 giờ 30; có thể đạp dưới trời mưa nhưng phải đảm bảo đồ đạc bọc kín không bị ướt. Thời gian đạp chia 4 ca, mỗi ca 2 tiếng, mỗi tiếng trung bình 15-20 km.
Những cung đèo ven biển (đèo Cả, đèo Hải Vân...) là những cung đường có cảnh tuy đẹp nhưng nguy hiểm vì đèo dốc cao, gió biển tạt vào khó điều chỉnh tay lái, vắng vẻ và không có nhiều nhà người dân, quán nước ven đường... Trước khi leo đèo cần chuẩn bị nhiều nước, tra dầu xích xe, kiểm tra kỹ lưỡng các bộ phận xe. Bên cạnh đó cần đạp xe đúng cách, đạp hình ziczac, thở đều, không quá gắng gượng sức, không đạp quá xa lề đường, quan sát xe ô tô, tải lên xuống, tập trung cao độ. Khi thả dốc cần kiểm tra kỹ phanh xe, lốp xe có mòn không, thắng rà từ từ nếu bị đứt thắng nguy hiểm.
Cũng theo Hùng, quãng đường xuyên Việt dài chừng 2.000 km, có rất nhiều khó khăn nảy sinh và sự cố bất ngờ. Hạn chế đạp xe tối, vì nhiều rủi ro do các phương tiện giao thông chạy rất nhanh, nhiều nơi ít đèn, có nguy cơ gặp cướp, đường đèo dốc hiểm trở khó và không quan sát được. Luôn luôn di chuyển vào làn đường dành cho phương tiện thô sơ, thường là làn ngoài cùng, có vạch trắng kẻ liền.
Tuyệt đối không đạp xe khi buồn ngủ, vì nhiều lúc sẽ đạp xe giữa lòng đường, quốc lộ 1 các phương tiện xe khách, xe container, xe ben, xe bồn... chạy nhanh dễ gây tai nạn.
“Cố gắng, hãy động viên mình đừng bỏ cuộc, sau chuyến đi, ý chí của bạn sẽ như quặng sắt đã qua tôi luyện. Đi một quãng đường dài như vậy, việc bị ngã là khó tránh khỏi. Nhưng hãy nghỉ ngơi, dưỡng sức, không nên quá đặt áp lực cho bản thân mình. Mỗi ngày mỗi sự việc xảy đến là một câu chuyện, một trải nghiệm quý báu”, Hùng chia sẻ kinh nghiệm đạp xe xuyên Việt của mình.
Bình luận (0)