Điều gì khiến Temu 'càn quét' khắp thế giới

28/10/2024 08:40 GMT+7

Tháng 9.2022, Temu lần đầu tiên có mặt tại Mỹ, hai năm sau, ứng dụng đã hiện diện tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ hơn 100 triệu người dùng.

Trong làn sóng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc vươn ra nước ngoài, câu chuyện của Temu đặc biệt gây chú ý. Điều gì đã khiến Temu gây tiếng vang lớn thế giới chỉ trong thời gian ngắn và con đường vươn ra biển lớn có thật sự dễ dàng?

Công thức bí mật của Temu

Thu Hương, kế toán một công ty tại TP.HCM, cho biết từ đầu tháng 10, các quảng cáo của Temu đã phủ kín mạng xã hội, khiến cô tò mò và tải về ứng dụng. "Nhưng điều khiến Temu đặc biệt hơn Shopee, TikTok Shop là nó được thiết kế như một sòng bài kết hợp chợ trời lớn nhất hành tinh", Hương nói.

Đầu tiên khách hàng sẽ được tham gia một vòng quay may mắn, giảm giá đến hơn 70%. Đơn giá này sẽ được áp dụng để thanh toán trong giỏ hàng. Bước tiếp theo, nền tảng thương mại điện tử này đưa khách hàng đến một "khu chợ" kỳ lạ, nơi cung cấp vô số mặt hàng độc đáo như: Kính râm nhìn ban đêm; đèn camera nội soi; máy duỗi ngón chân cái...

Chưa hết, Temu tiếp tục gây hứng thú với món hàng rẻ không tưởng như ốp lưng điện thoại giá 6.000 đồng, giao hàng miễn phí. Nền tảng này cũng tối ưu hóa khâu vận chuyển để hàng hóa có thể đi thẳng từ công xưởng đến tay người dùng, từ đó giúp giảm tối đa thời gian và chi phí giao hàng.

Điều gì khiến Temu 'càn quét' khắp thế giới- Ảnh 1.

Ứng dụng Temu trên điện thoại

ẢNH: THIÊN TRƯỜNG

Điều khiến Temu trở nên đặc biệt là họ biến việc mua sắm thành trò chơi. Nền tảng để thu hút người dùng mua những mặt hàng mà họ chưa bao giờ nghĩ mình cần với giá rẻ đến mức không cần bận tâm. Hình thức mua sắm giải trí này mang đến cảm giác trải nghiệm ít tốn kém hơn so với đến các trung tâm thương mại hoặc chợ truyền thống.

Trong khi các trang thương mại điện tử truyền thống như Amazon, Shopee lôi kéo người dùng bằng những món đồ khiến khách hàng thèm muốn, Temu lại khiến người dùng thích thú bởi những món đồ chưa từng biết đến.

Một trong những chiến thuật của Temu khi "đổ bộ" thị trường mới là chi mạnh cho quảng cáo. Họ không chỉ xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram mà còn tài trợ cho nhiều sự kiện thể thao ngoài trời, các trận đấu thể thao. Dữ liệu từ JPMorgan cho thấy Temu đứng top 5 trong danh sách công ty chi tiền quảng cáo nhiều nhất tại Mỹ vào quý 4/2023. Dự kiến trong 2024, nền tảng này sẽ chi khoảng 3 tỉ USD cho tiếp thị.

Kết hợp những yếu tố trên và chiến lược sẵn sàng bán lỗ để chiếm thị phần đã giúp Pinduoduo - công ty mẹ của Temu - giành được ngôi vị nhà bán lẻ trực tuyến có giá trị nhất tại Trung Quốc. Nhưng Temu cũng gặp nhiều thách thức khi cố gắng sao chép công thức này khi chinh phục thị trường toàn cầu.

Hàng dưới 1 triệu trên các sàn như Temu có thể bị đánh thuế GTGT

Kỳ tích và sóng gió

Dữ liệu từ Sensor Tower cho thấy Temu trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất vào năm 2023 tại Mỹ và có 50 triệu người dùng hoạt động hằng tháng vào đầu năm 2024. Một số dự báo cho thấy đến hết năm nay, lượng người dùng Temu có thể vượt Amazon, công ty đã có 30 năm lịch sử trong ngành bán lẻ trực tuyến tại Mỹ.

Tháng trước, Temu cũng trở thành ứng dụng mới được tải xuống nhiều nhất tại Hàn Quốc, theo bảng xếp hạng của Mobile Index công bố hôm 16.10. Tại Nhật Bản, Temu là ứng dụng đạt được 4 triệu lượt tải xuống nhanh nhất trong lịch sử, sau 121 ngày. Bảng xếp hạng của Statista cũng cho thấy Temu đang đứng đầu danh sách ứng dụng được tải nhiều nhất Thái Lan với hơn 100 triệu lượt, vượt Shopee, Lazada, TikTok Shop...

Tính đến quý 2, khối lượng đặt hàng trên Temu tại Hungary đã vượt 4 triệu USD, tăng đột biến từ 1,5 triệu USD vào quý trước. Với tốc độ này, khối lượng đặt hàng của Temu dự kiến sẽ vượt 10 triệu USD vào cuối 2024. Nếu đạt được kỷ lục này, Temu sẽ trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Hungary.

Điều gì khiến Temu 'càn quét' khắp thế giới- Ảnh 2.

Temu đang đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng mua sắm ở Thái Lan, theo bảng xếp hạng của Statista

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bất kỳ nơi đâu Temu xuất hiện, ứng dụng cũng trở thành hiện tượng nhờ công thức bí mật của mình. Tuy nhiên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đến từ Trung Quốc cũng phải đối mặt không ít sóng gió.

Giữa tháng 10, truyền thông Indonesia cho biết chính quyền đã yêu cầu Google, Apple chặn ứng dụng Temu. Người dùng không thể chọn địa chỉ nhận hàng tại Indonesia khi mua sắm trên ứng dụng. Động thái này được xem là để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Thái Lan cũng đang theo dõi kỹ Temu để có hành động tương tự.

Cùng lúc đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Temu cung cấp các thông tin liên quan đến việc ngăn chặn việc buôn bán hàng hóa bất hợp pháp trên nền tảng. Reuters dẫn lời cơ quan chức năng cho biết lượng người dùng Temu vượt quá ngưỡng quan trọng nên cần tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn của Liên minh châu Âu (EU). Số phận của ứng dụng sẽ được quyết định sau báo cáo chi tiết về cách họ xử lý vấn nạn hàng giả, kém chất lượng.

Nghiêm trọng hơn, tại Mỹ, Ủy ban thuộc Hạ viện đã cáo buộc Temu lợi dụng lỗ hổng thương mại, đưa hàng hóa vào Mỹ mà không đóng thuế nhập khẩu. Nhiều nghị sĩ đang kêu gọi cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của Temu và có biện pháp ngăn chặn cần thiết do có nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cho biết nền tảng này chưa đăng ký hoạt động, dù đã quảng bá rầm rộ. Trước đó Temu 3 lần đăng ký hoạt động ở Indonesia nhưng đều bị từ chối.

Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.