Điều gì mang lại thành công cho Ánh Viên ?

18/06/2015 05:00 GMT+7

Chứng kiến những gì mà kình ngư 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên làm được ở SEA Games 2015, không chỉ giới trẻ trong nước mà cả bạn bè trong khu vực cũng phải khâm phục tài năng, ý chí và khát vọng chiến thắng quá lớn của cô gái này.

Chứng kiến những gì mà kình ngư 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên làm được ở SEA Games 2015, không chỉ giới trẻ trong nước mà cả bạn bè trong khu vực cũng phải khâm phục tài năng, ý chí và khát vọng chiến thắng quá lớn của cô gái này.

Điều gì mang lại thành công cho Ánh Viên ?Ánh Viên là tấm gương rèn luyện xứng đáng để giới trẻ noi theo - Ảnh: Khả Hòa
Nói như ông Đặng Anh Tuấn, huấn luyện viên trực tiếp của Ánh Viên, thì nhiều triệu phú đô la có thể được mọi người biết đến vì sự giàu có, sang trọng của họ, nhưng liệu có ai được ngả mũ chào trân trọng và tôn vinh đầy xúc động đến gần chục lần trong một kỳ đại hội như cô gái vàng của bơi lội VN. Cô đã làm cho tất cả mọi người đều phải đứng dậy, đồng loạt vỗ tay khi lao như mũi tên xé nước để về đích.
Cô cũng đã làm lay động con tim của giới hâm mộ khi ai cũng phải thổn thức, phải “cuồng” lên mỗi khi nhìn cô xuống nước với đôi tay quạt đều làm dậy sóng đường đua xanh. Và cô cũng đã làm cho những ai còn nghi ngờ về học vấn của vận động viên VN đều phải ngỡ ngàng khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế bằng tiếng Anh một cách tự tin, lưu loát. Nói cách khác, Ánh Viên thực sự đã là một tượng đài trong lòng công chúng.
Học làm người trước khi đạt thành tích
Không chỉ ông Đặng Anh Tuấn mà cả Ánh Viên khi trả lời phỏng vấn đều luôn nhắc đi nhắc lại rằng, cô được như ngày hôm nay đầu tiên chính là nền tảng văn hóa, nhận thức được giáo dục từ nhỏ một cách rõ ràng, rành mạch nên mọi cái đều đi đúng hướng, chứ không bị phát triển lệch lạc như một số tài năng khác. Chính Ánh Viên cho biết cô may mắn được sinh ra trong gia đình ai cũng ham học và luôn ý thức rằng cuộc sống là phải biết rèn luyện, biết chịu khó chịu khổ và phải luôn cầu tiến.
Ông Tuấn có nói chi tiết rằng khi ông tiếp nhận Ánh Viên để huấn luyện cô, bài học vỡ lòng đầu tiên và cho đến tận bây giờ còn nguyên giá trị là Ánh Viên phải học làm người trước khi đạt thành tích. Nghĩa là Ánh Viên phải trui rèn đạo đức, lối sống lành mạnh, cách cư xử có văn hóa và những giao tiếp phải toát lên được trình độ của một vận động viên thể thao được đào tạo một cách bài bản, có mục đích rõ ràng, có động lực phấn đấu và phải luôn giữ mình trước mọi cám dỗ để không ngừng tiến bộ.
Để làm điều đó cho Ánh Viên, ông Tuấn cho hay ông khuyến khích việc Ánh Viên tự học, chỉ cho cô gái những điều hay lẽ phải, những ứng xử trong cuộc sống. Chính vì vậy, dù đạt rất nhiều thành tích, nhưng chưa bao giờ Ánh Viên tự cho phép mình bay bổng “lên mây”, trái lại cô luôn giữ sự hòa đồng, bặt thiệp và có nụ cười rất thân thiện với tất cả mọi người.
SEA Games đã kết thúc, nhưng báo chí Singapore vẫn còn rất ấn tượng thành tích đoạt 8 HCV và 8 kỷ lục SEA Games của Ánh Viên. Tờ New Paper hôm qua cho rằng, ngoài tài năng và thành tích đạt được, thì nỗ lực đằng sau các tấm huy chương của Ánh Viên là cả một câu chuyện dài đầy nghị lực vượt khó. Vì thế, việc báo chí khu vực đặt cho Ánh Viên biệt danh “Cô gái thép” (Iron Girl), cũng như xem cô là “Nữ hoàng bơi lội” mới xứng đáng thay thế đàn chị Joscelin Yeo của Singapore là không ngoa một chút nào. G.Lao
Khổ luyện thành tài
Không có cái gì tự nhiên mang đến thành công nếu không có quá trình rèn luyện nghiêm túc. Đó luôn là câu chuyện gối đầu giường của mỗi người, riêng với nàng tiên cá VN thì luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Có được như ngày hôm nay, Ánh Viên đã phải hy sinh gần như tuổi thơ và những thú vui đời thường của tuổi mới lớn. Cô miệt mài tập luyện hết ngày này sang ngày khác, không hề từ bỏ khó khăn, cũng chẳng ngại gian khổ.
Trời phú cho một cơ địa tốt rất phù hợp với bơi lội nên cô cứ liên tục lao xuống nước, vẫy vùng đôi chân và tung cánh tay chỉ với tâm niệm mỗi ngày trôi qua thì thông số kỹ thuật phải có sự thay đổi đáng kể. Tâm lý thoải mái cộng với ý chí vốn đã hun đúc từ lâu đã giúp Ánh Viên không phải đối mặt với những áp lực vô hình, không phải lao vào những tranh chấp “quân anh quân tôi” vốn thường thấy ở sân chơi thể thao VN.
Cũng phải ghi nhận sự định hướng đúng đắn của ngành thể thao khi quyết định đưa Ánh Viên sang Mỹ. Hơn 200.000 USD cho chuyến tập huấn mỗi năm ở Mỹ là sự đầu tư tuy chưa phải lớn nhưng cũng đủ giúp thầy trò cô yên tâm cọ xát trong môi trường mới, có chuyên gia giỏi kèm cặp cũng như được thường xuyên tiếp cận với những kình ngư hàng đầu thế giới trong các giải đấu khu vực hay giải do Mỹ tổ chức.
Từ đó đã giúp Ánh Viên không chỉ phát huy tốt thế mạnh sở trường trong nội dung hỗn hợp 200 m hay 400 m mà còn nhanh chóng lan ra các nội dung khác, như bơi tự do đã trở thành thế mạnh mới của cô gái vàng VN. Ngay Ánh Viên cũng cho biết sau thời gian tập ở Mỹ, cô đã cảm nhận cô đủ tiềm năng bơi tự do tốt và thực tế khi chuyên sâu bơi tự do, thành tích của nàng tiên cá VN tăng một cách chóng mặt. SEA Games lần này đã chứng minh sự đúng đắn của việc Ánh Viên thi đấu tất cả các nội dung tự do và cô đã chiến thắng một cách ngoạn mục ở 3/4 nội dung đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.