“Tôi thậm chí không muốn dính gì tới bài báo đặt giả thuyết Donald Trump làm tổng thống”, chánh văn phòng Tổng thống Mỹ dưới thời George H.W.Bush, ông John Sununu lắc đầu nguầy nguậy.
Donald Trump đang là ứng viên Tổng thống sáng giá nhất của đảng Cộng hòa - Ảnh: Reuters |
Không còn chuyện “viễn tưởng” nữa!
Nhiều chính trị gia kỳ cựu khác, cũng giống như ông cựu chánh văn phòng Sununu, không chấp nhận nổi, dù chỉ là giả thuyết ông Trump làm tổng thống Mỹ.
Nhưng muốn chấp nhận hay không thì tỉ phú Trump vẫn đang là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của Đảng Cộng hòa. Chiến thắng vang dội sau các kỳ bầu cử sơ bộ đầu tiên, cộng thêm kết quả thăm dò trước các kỳ bầu cử sơ bộ trong thời gian tới đã chứng minh rõ điều đó.
Trong khi lắm chính trị gia Cộng hòa lo sợ viễn cảnh ông Trump sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì trong “vòng chung kết” cuộc bầu cử tay đôi với ứng viên của đảng Dân chủ, các nhà phân tích chính trị chỉ rõ rằng cũng chính các chính trị gia Cộng hòa đó từng dự đoán Trump chẳng làm nên trò trống gì trong vòng bầu cử sơ bộ.
Câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump làm tổng thống Mỹ đã chẳng còn là chuyện “khoa học viễn tưởng” như bối cảnh cách đây vài tháng nữa. Trái lại, khả năng lớn là nó sẽ xảy ra.
Tỉ phú Trump đang có rất nhiều "fan" - Ảnh: Reuters
|
Tay mơ có hạng
“Mọi thứ sẽ hỗn loạn” là câu trả lời của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những đối thủ của ông Trump trong hàng ngũ Cộng hòa cũng đang muốn “có chân” trong cuộc đấu cuối cùng. Thượng nghị sĩ Rubio vạch ra rằng ông Trump lúc nào cũng “từ chối trả lời về bất kỳ một chính sách công cụ thể nào”, cùng lúc “chả có khái niệm gì về bản chất của các vấn đề quan trọng”.
Với các cử tri đặt nặng vấn đề chính sách, Trump là “tay mơ có hạng”. Trên trang web tranh cử chính thức của ông, chính sách là thứ ít được nói tới. Ông từ chối nói tới hàng loạt chính sách cụ thể. Với nhiều chính sách khác, ông tỉ phú giàu sụ thừa nhận mình không hiểu rõ, đơn cử là trong lần bị hỏi về quyền sở hữu đất đai liên bang ở miền Tây.
Đi hàng hai
Về mặt hệ tư tưởng, ông Trump đang… đi hàng hai, khi mượn tạm một số ý niệm của cánh tả, khi thiên về cánh hữu.
Ông ta cũng không tỏ rõ mình quan tâm tới một vấn đề cụ thể nào. Chẳng hạn, trong đề tài từ lâu đã là mục tiêu của các đảng viên Cộng hòa bảo thủ: giảm quy mô chính phủ liên bang, khi được hỏi sẽ làm sao để cân đối ngân sách liên bang, Trump né trả lời trực tiếp bằng cách quay lại một trong những khẩu hiệu quen thuộc của mình: “giảm lãng phí, gian lận và lạm dụng”. Ông ta chỉ nói cụ thể đến 2 vấn đề duy nhất mà ông sẽ cắt giảm: tiêu chuẩn giáo dục Common Core - điều không nằm trong chương trình chi tiêu liên bang - và quyền điều phối Cơ quan bảo vệ môi trường, bảo rằng sẽ chuyển khoản này cho các bang.
Khoảng 32.000 người đã tụ tập tại Madison hôm 28.2 vừa qua để nghe ông Trump phát biểu - Ảnh: Reuters
|
Một trong những cam kết cụ thể nhất của ông: chống lại bất kỳ khoản cắt giảm nào đối với chương trình Medicare, cùng với một trong những cam kết mạnh mẽ khác: tăng chi tiêu quân sự sẽ càng làm ngân sách liên bang thâm thủng đậm.
Tổng thống mạnh tay?
|
Trump nói rõ rằng ông ta sẽ làm cho mọi thứ “chạy tốt” theo ý mình và nhờ vào tài năng đàm phán của mình.
“Tôi là người dàn xếp thỏa thuận cực kỳ thành công. Đó là chuyện tôi đã làm bao nhiêu năm. Tôi hiểu rõ con người, bởi vì thỏa thuận là con người. Vì đất nước của chúng ta, tôi sẽ chơi tốt với mọi người… Tôi sẽ chơi rất tốt với (Tổng thống Nga) Putin”.
Nếu như các đối thủ của ông Trump trong hàng ngũ Cộng hòa thường chỉ trích Tổng thống Barack Obama là lạm quyền thì ông Trump chẳng bao giờ bảo thế, mà chỉ nói rằng ông Obama “ngu ngốc” và toàn quyết định sai.
Xem ra, quyền hành của “vị Tổng thống Trump” sẽ còn vượt xa Obama.
Nội công, ngoại kíchVới quyền lực tổng thống cộng với sở thích gây sốc của mình, ông Trump có thể dùng quyền hành pháp để đưa ra những quyết định gây tranh cãi nhất, chẳng hạn cấm người Hồi giáo vào Mỹ (ít ra là trong một khoảng thời gian nào đó), bởi Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng rãi trong vấn đề nhập cư, nhất là khi viện cớ bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhưng với hàng loạt vấn đề cần sự chuẩn thuận của quốc hội, “Tổng thống Trump” khó lòng vung tay. Sự chống đối trong trường hợp này, sẽ không chỉ chủ yếu ở đảng Dân chủ đối lập mà sẽ rộng rãi trong “sân nhà” Cộng hòa nữa. Điều đó có nghĩa cái lời hứa mạnh mẽ mà ông Trump hôm nay nhiều lần nhấn mạnh: xây bức tường dọc theo biên giới Mexico hoặc buộc hồi hương 11 triệu người đang sống bất hợp pháp ở Mỹ sẽ khó lòng có thể trở thành hiện thực.
Trong vấn đề đối ngoại, Trump sẽ gặp sự chống đối gay gắt từ các nước khác.
Ông Trump đã liên tục phủ nhận các thỏa thuận giữa Mỹ với các nước đồng minh châu Âu và Nhật, trong đó Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh. “Những ngày này đã qua rồi”, Trump mạnh miệng phát biểu.
Nếu Trump đang thực sự nghiêm túc thì ông sẽ phải hủy bỏ hàng loạt thỏa thuận là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước, trong đó có hiệp ước bảo vệ Nhật. Điều đó đã làm Nhật lo lắng. Báo Los Angeles Times dẫn lời bà Kori Schake, một cựu trợ lý của ông George W. Bush gần đây từng gặp các quan chức Nhật để thảo luận vấn đề phòng vệ, nói rằng bất kỳ một thay đổi nào trong hiệp ước kể trên sẽ khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ xem xét lại sự hợp tác với Mỹ trong những vấn đề mà Mỹ quan tâm.
Xin mở một dấu ngoặc ở đây là sự thay đổi theo đề nghị của Trump sẽ chẳng có ý nghĩa tiết kiệm tiền bạc cho nước Mỹ; bởi Nhật, Đức và Hàn Quốc chi trả phần lớn cho chi phí nuôi quân Mỹ trên đất nước họ. Ông Schake tính toán rằng đưa quân Mỹ sang Nhật đồn trú chỉ tốn hơn đưa sang vùng thôn quê Texas có 10%.
Nói chuyện không tưởng
Trong một bài phát biểu hùng hồn như thường lệ, ông Trump gần đây chỉ trích kế hoạch của công ty Carrier Corporation trong việc chuyển nhà máy sản xuất máy lạnh từ Mỹ sang Mexico, làm mất mát 1.400 việc làm tại Mỹ, theo lời ông.
Một ủng hộ viên của tỉ phú Trump giương cao lá cờ mang tên ông - Ảnh: Reuters
|
“Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ gởi cho họ một tờ giấy nhỏ, chúc mừng động thái của họ, bảo rằng chúng tôi mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Và chúng tôi sẽ nói với họ rằng cứ mỗi lần anh làm một cái máy lạnh và đưa nó vào Mỹ, anh phải trả 35% thuế”.
Như thường lệ, ông nhận được những tràng pháo tay giòn giã nhưng hình như ông ta không biết rằng tổng thống không có quyền áp đặt thuế, còn những trường hợp thuế trả đũa chỉ có thể được vận dụng sau một quy trình pháp lý cực kỳ phức tạp. Mà Quốc tội Mỹ thì từng nhiều lần từ chối các đề nghị trả đũa kiểu như thế này lên các công ty vì nó sẽ lập tức làm tăng chi phí lên hàng triệu người tiêu dùng Mỹ.
Ví dụ trên đã chỉ rõ nếu làm tổng thống, Trump sẽ gặp rắc rối cỡ nào. Thật ra thì tổng thống nào cũng sẽ gặp rắc rối, cũng sẽ làm người khác thất vọng; nhưng tình trạng đó hẳn sẽ trầm trọng hơn rất nhiều với ngài tỉ phú Trump sau một chiến dịch tranh cử dựa quá nhiều vào ngẫu hứng cá nhân và những lời hứa mà “dân chuyên nghiệp” thấy khó lòng làm được.
“Sẽ chẳng bao giờ có một bức tường nào hết. Và cũng sẽ không có chuyện Apple sản xuất iPhone trên đất Mỹ”, chuyên gia tư vấn chính trị Rob Stutzman nhận xét. Ông nói tiếp: “Tôi đoán ông ấy sẽ thuê những người rất tài giỏi để cố vấn cho mình, nhưng rồi ông ấy sẽ thấy mình bị rơi vào tình huống vô cùng khó khăn để có thể chống đỡ vì ông sẽ phải bắt đầu giải thích vì sao ông ấy không thể”.
Bình luận (0)