Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo làm việc quá 55 giờ/tuần có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 35% và nguy cơ tử vong vì bệnh tim lên 17%. Trên toàn thế giới, làm việc quá sức gây ra khoảng 745.000 ca tử vong mỗi năm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Làm việc nhiều quá mức trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, từ tiểu đường đến trầm cảm |
SHUTTERSTOCK |
Khi làm việc quá sức, cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:
Thiếu ngủ
Khối lượng công việc nhiều khiến một số người không thể ngủ đủ giấc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Thậm chí, có trường hợp chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng/đêm, đôi khi phải thức trắng đêm để làm việc.
Trên thực tế, không ai có đủ sức khỏe thể chất và năng lượng tinh thần có thể làm việc đến 14 giờ/ngày trong thời gian dài. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc sẽ làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh, từ tiểu đường đến trầm cảm. Các cơ quan y tế khuyến cáo người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 giờ/đêm.
Đau nhức cơ thể
Những vị trí đau nhức thường xuyên nhất khi làm việc quá nhiều là đầu, cổ và lưng. Nghiên cứu công bố trên chuyên san Annals of Occupational and Environmental Medicine cho thấy làm việc nhiều giờ, lặp đi lặp lại một tư thế sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về xương khớp. Tình trạng này vẫn xảy ra dù là làm việc bàn giấy hay lao động tay chân.
Để giảm nguy cơ, mọi người có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa như điều chỉnh tư thế làm việc phù hợp, tăng cường sức mạnh bằng cách tập thể dục, thường xuyên nghỉ ngơi để thư giãn hay đi bộ.
Bỏ bê các mối quan hệ
Bỏ bê các mối quan hệ gia đình là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm việc quá nhiều. Công việc khiến bạn không có thời gian bên cạnh bố mẹ, vợ chồng hay con cái khi họ cần.
Sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân có ý nghĩa quan trọng với một người. Tổ chức chăm sóc sức khỏe tinh thần Mental Health Foundation (Anh) khuyến nghị mọi người cần cân bằng thời gian làm việc và giải trí. Giải trí không nên quá nhiều nhưng phải đủ để cảm thấy hài lòng và cân bằng với công việc.
Dễ cáu kỉnh
Công việc áp lực trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị kiệt quệ về cảm xúc và tinh thần. Những đêm mất ngủ, ăn uống kém lành mạnh và cảm giác mất kiểm soát trong công việc sẽ dẫn đến sự cáu kỉnh, dễ nổi nóng.
Mọi người có thể chọn các hình thức giúp cải thiện sức khỏe tinh thần như thiền, yoga hay làm những việc mình yêu thích như nấu ăn, vẽ tranh. Nếu áp lực tinh thần không thuyên giảm, bạn có thể tìm đến nhà trị liệu tâm lý hoặc đổi việc, theo Healthline.
Bình luận (0)