Điều gì xảy ra khi bạn thường xuyên ăn tối sau 19 giờ?

17/07/2020 00:11 GMT+7

Hóa ra việc bạn ăn vào lúc nào cũng quan trọng không thua kém việc bạn ăn gì.

Thời điểm ăn có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh cân nặng, điều hòa trao đổi chất, sức khỏe tim mạch và chu kỳ giấc ngủ, theo Food.
Các chuyên gia trên khắp thế giới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khoảng cách 2 giờ giữa bữa tối và giờ ngủ.
Và ăn tối sau 19 giờ (7 giờ tối) có thể gây hại đến sức khỏe của bạn. 

1. Hại cho tim

Nghiên cứu được trình bày gần đây trước Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã tiết lộ, phụ nữ ăn càng muộn sau 18 giờ (6 giờ tối), sức khỏe tim mạch càng kém, nguy cơ tăng huyết áp và tăng chỉ số khối cơ thể càng cao, và kiểm soát đường huyết cũng kém hơn, theo Daily Mail.
Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ, Meher Rajput, còn cảnh báo, những người mắc bệnh tiểu đường, tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang và các bệnh tim mạch, không chỉ nên ăn tối ít mà còn nên ăn sớm.
Giới hạn giờ ăn tối sớm hơn cũng đảm bảo sức khỏe tim tốt hơn và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch.
Ăn tối muộn rất có thể gây tăng huyết áp trong đêm.
Thông thường, huyết áp giảm ít nhất 10% vào ban đêm cho phép cơ thể nghỉ ngơi tốt. Nếu huyết áp vẫn tăng, sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và cả đột quỵ.

2. Tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu về hạn chế thời gian ăn, đã cho kết quả vô cùng thuyết phục!
Trong nghiên cứu, giáo sư Satchin Panda, từ Viện Sinh học Salk ở California (Mỹ), đã cho 2 nhóm chuột ăn cùng một chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường. Chỉ khác là một nhóm được ăn bất cứ giờ nào suốt 24/7 và nhóm còn lại chỉ được ăn trong 8 giờ ban ngày.
Kết quả là, nhóm đầu tiên tăng cân và bắt đầu mắc cholesterol cao và bệnh tiểu đường loại 2, trong khi nhóm ăn hạn chế thời gian vẫn tương đối mảnh mai và khỏe mạnh, mặc dù tiêu thụ cùng một lượng calo như nhau. Đáng chú ý, ăn trong khoảng thời gian hạn chế thậm chí có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường ở chuột.
Nghiên cứu còn cho thấy những người ăn tối 1 giờ trước khi đi ngủ, kiểm soát lượng đường trong máu kém hơn, so với những người ăn tối sớm hơn, do độ nhạy insulin giảm xuống, làm khả năng đào thải đường ra khỏi máu giảm xuống, theo Daily Mail.

3. Hệ thống tiêu hóa kém hiệu quả

Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, tiến sĩ Rupali Dutta (chuyên khoa Khoa học Sinh học, từ Đại học Kỹ thuật Michigan, Mỹ), cho biết ăn tối sớm rất tốt cho tiêu hóa.
Cơ thể được thiết lập để xử lý thức ăn hiệu quả vào ban ngày. Ban đêm, cơ thể tiết ra ít nước bọt hơn, dạ dày tiết ít dịch vị hơn, việc co bóp để di chuyển thức ăn qua ruột cũng chậm lại. Càng ăn muộn, càng có nhiều nguy cơ thức ăn ở lại trong ruột, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

4. Dễ bị tăng cân

Nếu bạn ăn rối xong rồi đi ngủ ngay, lượng calo không được đưa vào sử dụng, sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo, gây tăng cân và béo phì.
Ngược lại, các chuyên gia khẳng định, luôn ăn tối trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 giờ có thể làm giảm đáng kể lượng calo tổng thể.
Khoảng thời gian nhịn đói trong đêm càng dài, càng giúp giảm chất béo vì lúc này, cơ thể chuyển sang trạng thái sử dụng chất béo dự trữ để cung cấp năng lượng, theo Daily Mail.
Nghiên cứu còn cho thấy những người ăn kiêng nếu ăn bữa cuối trước 3 giờ chiều, đã giảm cân nhiều hơn 25% so với những người ăn muộn hơn.

5. Ngủ không ngon giấc

Ăn quá nhiều hoặc ăn sát giờ ngủ có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng và khó tiêu, khiến khó ngủ hơn.
Các chuyên gia cũng cảnh báo chống ăn vặt sát giờ ngủ. Ăn khuya khiến cơ thể phải duy trì trạng thái hoạt động thay vì cần giảm tốc để nghỉ ngơi, trái với nhịp sinh học.
Mặt khác, ăn sớm không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, mà cũng giúp ngủ ngon hơn và thức dậy cũng tràn đầy năng lượng hơn.

6. Trái với nhịp sinh học của cơ thể

Ăn tối muộn cũng khiến các cơ quan và mô phải hoạt động và hồi phục vào thời điểm cần được nghỉ ngơi nhất, theo Daily Mail.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.