Điều gì xảy ra nếu cáp quang biển bị đứt?

21/01/2025 16:05 GMT+7

Thế giới được kết nối thông tin với nhau bởi những sợi cáp quang biển, với thiết kế nhiều lớp bảo vệ nhưng phần lõi không khác gì dây cáp internet tại nhà.

Cáp quang biển - 'xương sống' của internet

Dưới đáy đại dương hiện nay là những đường dây liên lạc của toàn thế giới. Dù là người đang phát trực tiếp buổi hòa nhạc tại London (Anh) hay truy cập trang web đặt tại Úc khi đang ngồi ở Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, các kết nối đều được thực hiện thông qua những đường dây mà chúng ta quen thuộc với cái tên "cáp quang biển". Những sợi cáp kết nối tín hiệu chạy dưới lòng đại dương này là một phần cốt lõi của hoạt động internet hiện nay.

Nắm giữ vai trò quan trọng như vậy, nhiều người có thể nghĩ cáp quang biển phải sử dụng công nghệ cao với những vật liệu khó có thể được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn chính xác.

Mạng lưới cáp quang biển chằng chịt kết nối thông tin toàn cầu

Mạng lưới cáp quang biển chằng chịt kết nối thông tin toàn cầu

Ảnh: Telegeography

Khi nhìn vào mặt cắt ngang của cáp quang biển, một người bình thường cũng có thể nhận ra đây chỉ là những sợi cáp liên lạc thông thường. Thứ có hơn cáp thường là việc phủ một nhựa tar (hắc ín, một hợp chất phức tạp) để gia tăng độ bền, thêm sức chịu đựng trước dòng chảy đại dương. Cách triển khai cáp cũng không có nhiều thay đổi qua gần 170 năm kể từ lần đầu dây tín hiệu xuyên Đại Tây Dương được đưa vào hoạt động (năm 1858).

Dù hiện nay loài người đã có mạng kết nối vệ tinh, cáp quang biển vẫn là cách tốt nhất để kết nối mọi người ở các lục địa với nhau qua internet. Một số ước tính cho rằng dữ liệu truyền qua cáp quang biển chiếm hơn 95% tổng lưu lượng internet toàn cầu hiện nay - con số lý giải vì sao những sợi cáp này được ví như "xương sống internet".

Dù chắc chắn, cáp biển vẫn dễ đứt

Cấu tạo cơ bản của những sợi cáp biển tương tự như cáp quang cung cấp internet đến nhà và văn phòng. Phần lõi làm từ sợi thủy tinh xoắn (trước đây là kim loại) để truyền ánh sáng dọc theo chiều dài tuyến. Các công ty sản xuất cáp thường thêm nhiều sợi hơn mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Xung quanh sợi quang là một loạt các lớp bảo vệ, bao gồm thạch dầu (cách điện), vỏ đồng, nhôm (chống nước), màng mylar và polyethylene.

Những lớp bảo vệ giúp cáp chịu được áp suất lớn và nhiệt độ lạnh ở đáy đại dương, bền bỉ trước lực căng khi được kéo qua các thung lũng đại dương và chịu chấn động do hoạt động kiến tạo của Trái đất. Bất chấp những điều đó, cáp quang biển không bền như nhiều người vẫn nghĩ.

Đã có những video ghi lại cảnh cá mập cố gắng cắn sợi cáp ngầm và loài cá này bị đổ lỗi cho không ít lần trục trặc. Lý do cá mập "khoái gặm" cáp được lý giải dưới góc độ khoa học: do từ trường cáp sinh ra gây nhiễu khả năng định hướng tự nhiên của chúng. Nhưng cá mập không phải là thủ phạm duy nhất. Năm 2022, quốc đảo Tonga bị mất kết nối trong 5 tuần vì sự cố cáp đứt do núi lửa phun trào.

Cáp quang biển mỗi năm phải chịu rất nhiều rủi ro từ tác động của tự nhiên lẫn con người

Cáp quang biển mỗi năm phải chịu nhiều rủi ro từ tác động của tự nhiên lẫn con người

Ảnh: chụp màn hình Adobe

Do cáp trải dài dưới đáy đại dương và bị tác động bởi những lực lượng tự nhiên nên mỗi khi hỏng hóc, các tàu sửa chữa cần thời gian để dò tìm toàn bộ chiều dài tuyến nhằm xác định vị trí xảy ra sự cố. Cũng có những lý do đáng ngại hơn khiến cáp bị đứt khi đây là mục tiêu tiềm năng của hành vi phá hoại, bởi việc làm hỏng chúng có thể làm gián đoạn liên lạc của một quốc gia.

Các quốc gia lớn có lợi thế trong trường hợp này bởi họ thường có nhiều sợi cáp kết nối với phần còn lại của thế giới. Ví dụ, Mỹ được kết nối với phần còn lại của thế giới bởi khoảng 88 tuyến cáp. Để quốc gia này bị cô lập, tất cả những sợi cáp phải bị cắt đứt - điều gần như không thể xảy ra.

Chuyện gì xảy ra khi cáp bị đứt?

Nếu là người sống trên một hòn đảo nhỏ kết nối với thế giới qua sợi cáp duy nhất (như Tonga), đứt cáp quang biển có thể đồng nghĩa với mất kết nối internet trong thời gian dài. Nhưng nếu sống ở một quốc gia lớn, người dùng sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn nếu có một tuyến cáp trục trặc. Mỗi năm có hơn 100 vụ đứt cáp xảy ra, nhưng người dùng thường ít nghe tới.

Khi một cáp ngầm bị đứt, các tuyến khác sẽ phải chịu thêm tải để bù đắp. Như vậy có thể kéo theo một số vấn đề như độ trễ tăng (đặc biệt ảnh hưởng đến nhu cầu phát sóng trực tuyến hoặc chơi game) tại một số khu vực. Những người sống nơi có lưu lượng internet cao, phụ thuộc vào số ít tuyến cáp thì dễ gặp tình trạng mạng chậm, kết nối mất ổn định, thậm chí mất kết nối trên diện rộng, đặc biệt ở khung giờ cao điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.