Tại một cuộc họp báo ở Doha, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho hay lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào 19.1. Ông cho biết thêm các nhà đàm phán đang làm việc với Israel và Hamas về các bước thực hiện thỏa thuận mới.
"Thỏa thuận này sẽ ngăn chặn giao tranh ở Gaza, tăng cường viện trợ nhân đạo rất cần thiết cho dân thường Palestine và đưa các con tin đoàn tụ với gia đình của họ sau hơn 15 tháng bị giam cầm", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington D.C.
Israel, Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
Nội dung thỏa thuận
Thỏa thuận theo từng giai đoạn phức tạp nói trên nêu rõ lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 6 tuần với việc binh sĩ Israel rút dần khỏi Dải Gaza, nơi hàng chục ngàn người đã thiệt mạng, theo Reuters. Các con tin bị các tay súng Hamas bắt giữ sẽ được thả để đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Giai đoạn một của thỏa thuận bao gồm việc thả 33 con tin người Israel, bao gồm tất cả phụ nữ, trẻ em và đàn ông trên 50 tuổi. Reuters dẫn một nguồn tin cho hay 2 con tin người Mỹ, Keith Siegel và Sagui Dekel-Chen, nằm trong số những người được thả trong giai đoạn đầu tiên.
Các cuộc đàm phán về việc thực hiện giai đoạn thứ hai của thỏa thuận sẽ bắt đầu vào ngày thứ 16 của giai đoạn một và và giai đoạn này dự kiến sẽ bao gồm việc thả tất cả các con tin còn lại, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và việc quân đội Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
Giai đoạn thứ ba dự kiến sẽ giải quyết việc trả lại tất cả các thi thể còn lại và bắt đầu tái thiết Gaza do Ai Cập, Qatar và Liên Hiệp Quốc giám sát.
Thỏa thuận còn kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh "ưu tiên hiện nay phải là giảm bớt nỗi đau to lớn do cuộc xung đột này gây ra". Cả Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đều cho hay họ đang chuẩn bị mở rộng quy mô hoạt động viện trợ của mình.
Một quan chức Palestine biết rõ về các cuộc đàm phán cho hay các bên trung gian đang cố gắng khiến cả hai bên ngừng giao tranh trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19.1.
Quân đội Israel đã tiến hành tấn công Gaza sau khi các tay súng Hamas vượt qua các rào cản an ninh và xông vào các cộng đồng ở khu vực biên giới Israel vào ngày 7.10.2023, giết chết 1.200 binh sĩ và dân thường, và bắt cóc hơn 250 con tin nước ngoài và Israel, theo số liệu từ Israel.
Lệnh ngừng bắn rất gần, Israel vẫn tiếp tục công phá Gaza
Cuộc chiến trên không và trên bộ của Israel ở Gaza kể từ đó đã giết chết hơn 46.000 người, với hàng trăm ngàn người mất nhà cửa phải chật vật chống chọi với cái lạnh mùa đông trong lều và nơi trú ẩn tạm thời, theo Reuters dẫn số liệu mới từ Cơ quan Y tế Gaza.
Phản ứng của các bên
Người Palestine phản ứng với tin tức về thỏa thuận mới bằng cách ăn mừng trên đường phố Gaza, nơi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước, nơi trú ẩn và nhiên liệu nghiêm trọng. "Tôi rất vui. Đúng là tôi đang khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng", bà Ghada, có 5 người con phải di dời, chia sẻ với Reuters.
Tại Tel Aviv (Israel), gia đình của các con tin Israel và bạn bè của họ đã vui mừng trước tin tức về việc đạt thỏa thuận ngừng bắn-thả con tin. Họ nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng họ cảm thấy "niềm vui và sự nhẹ nhõm tràn ngập (về) thỏa thuận đưa những người thân yêu của chúng tôi trở về nhà".
Tuy nhiên, một quan chức Israel cho hay việc Israel chấp nhận thỏa thuận mới sẽ không chính thức cho đến khi được nội các an ninh và chính phủ của nước này bỏ phiếu thông qua. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 16.1.
Thỏa thuận mới dự kiến sẽ nhận được sự chấp thuận bất chấp sự phản đối của một số người theo đường lối cứng rắn trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, người đã tái lên án thỏa thuận hôm 15.1.
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho hay ông Netanyahu đã gọi điện cho Tổng thống Biden và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để cảm ơn họ và cho hay ông sẽ sớm đến thăm Washington D.C.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội thông báo về lệnh ngừng bắn, Hamas gọi thỏa thuận mới là "một thành tựu đối với người dân chúng tôi" và "một bước ngoặt", theo Reuters.
Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán gian nan, không liên tục do các bên trung gian Ai Cập và Qatar tiến hành, với sự hậu thuẫn của Mỹ, và diễn ra ngay trước lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump vào ngày 20.1. Trên trang mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump viết rằng thỏa thuận sẽ không có được nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.2024.
Con đường nguy hiểm phía trước
Nếu thành công, lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn các cuộc giao tranh đã san bằng phần lớn Gaza và khiến hầu hết trong số 2,3 triệu dân của vùng đất nhỏ bé này trước xung đột phải di dời.
Đổi lại, lệnh ngừng bắn có thể xoa dịu căng thẳng trên khắp Trung Đông, nơi cuộc xung đột Hamas-Israel đã gây ra xung đột ở Bờ Tây, Li Băng, Syria, Yemen và Iraq, và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa những kẻ thù không đội trời chung trong khu vực là Israel và Iran.
Tuy nhiên, con đường phía trước rất phức tạp, với nhiều bãi mìn chính trị có thể xảy ra. Các gia đình con tin Israel bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận có thể không được thực hiện đầy đủ và một số con tin có thể bị bỏ lại ở Gaza, theo Reuters.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, người Palestine, các quốc gia Ả Rập và Israel vẫn phải nhất trí về tầm nhìn cho Gaza sau xung đột, một thách thức lớn liên quan đến các đảm bảo an ninh cho Israel và nhiều tỉ USD đầu tư cho công cuộc tái thiết.
Một câu hỏi chưa có lời giải đáp là ai sẽ điều hành Gaza sau xung đột. Israel đã bác bỏ mọi sự tham gia của Hamas, lực lượng đã quản lý Gaza từ năm 2007 và chính thức tuyên thệ sẽ phá hủy Israel. Nhưng Israel cũng có sự phản đối gần như ngang bằng đối với sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine, cơ quan được thành lập theo thỏa thuận hòa bình tạm thời Oslo cách đây 3 thập niên, theo Reuters.
Bình luận (0)