Điều hành thị trường xăng dầu 'đừng cố gắng đổ lỗi, phải xác định vượt qua'

06/03/2023 16:10 GMT+7

Chính phủ giao điều hành thị trường xăng dầu cho Bộ Công thương và Bộ Tài chính, đáng lẽ phải làm tốt nhưng để như vừa qua thì thấy cơ chế có vấn đề, đừng cố gắng đổ lỗi mà phải tìm cách vượt qua.

Đó là chia sẻ của PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc", do Báo Tiền phong tổ chức ngày 6.3.

Điều hành thị trường xăng dầu 'đừng cố gắng đổ lỗi, phải xác định vượt qua' - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Thiên chia sẻ tại tọa đàm

TRỌNG QUÂN

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế, chia sẻ nhiều ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, điều tiết, điều hành xăng dầu bao gồm cả vai Nhà nước. Chính phủ đã giao việc này cho hai bộ (Bộ Công thương, Bộ Tài chính), đáng lẽ phải làm tốt nhưng diễn biến thị trường xăng dầu vừa qua cho thấy cơ chế đang có vấn đề.

"Các bộ phải xem đây là cơ hội tốt, đừng cố gắng đổ lỗi mà phải tìm cách vượt qua nó thế nào. Bên nọ đổ cho bên kia thì doanh nghiệp đã yếu sẽ càng yếu hơn", ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, điểm mấu chốt của điều tiết thị trường xăng dầu là giá phải gắn với tự do cạnh tranh, nhưng thực tế thì nhiều quy định đang làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp lại.

Ông Thiên cho rằng, Chính phủ hoàn toàn có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế, có thể giảm thuế để giảm giá, can thiệp ngắn hạn. Nếu có các cú sốc lớn, có thể dùng quỹ dự trữ xăng dầu, không phải dùng tiền, bảo đảm nền kinh tế không bị sụp đổ. Đây là cách can thiệp giá và nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ Công thương phải kiểm điểm rõ ràng về nguồn cung xăng dầu trong nước khi hai nhà máy sản xuất trong nước đã cung ứng 70% nhu cầu nội địa.

Từ những phân tích trên, ông Thiên nhắc đích danh ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cũng là khách mời cùng dự tọa đàm này, và đề nghị phải có rà soát lại. Điều kiện thực tế hiện nay không đủ cho doanh nghiệp hoạt động. Để loại bỏ những quy định nhà nước đang làm hạn chế thị trường xăng dầu, đây là cơ hội tốt thay đổi hệ thống cơ chế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lên nấc cao hơn.

Cũng tại tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng nhìn vào hiện trạng thị trường xăng dầu hiện nay, chúng ta phải thừa nhận những công cụ quản lý của nhà nước không còn phù hợp. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ chính là hệ quả. 

Theo ông Cung, để giải quyết những vấn đề của thị trường xăng dầu hiện nay, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra giải pháp hướng tới sự thay đổi trong chính sách, chứ không chỉ có mổ xẻ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.

Đối với vấn đề chiết khấu bán lẻ xăng dầu, ông Cung kiến nghị nên để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích. Khi các doanh nghiệp tự phân chia lợi ích thì thị trường xăng dầu sẽ dần hài hòa.

Ngoài ra, ông Cung cũng nhìn nhận, việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên tiếp bị thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.