Điều kiện và lộ trình nới giãn cách sau ngày 15.9 theo dự thảo của Sở Y tế TP.HCM được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp sau hơn 100 ngày thành phố giãn cách cứng đang là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.
Nhìn lại những ứng biến trong các giải pháp và xét trên tính hiệu quả của chính sách chống dịch thời gian qua, rõ ràng sẽ nhận thấy, cần những thay đổi theo hướng chấp nhận “sống chung với Covid-19” đi kèm những điều kiện đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Mà một trong những đòi hỏi thực tế lúc này là cân bằng giữa việc chống dịch hiệu quả với đảm bảo sinh kế của người dân, sức khỏe nền kinh tế.
Như vậy, vắc xin là một yêu cầu cấp thiết, là yếu tố tiên quyết mang lại an toàn trong thực tế nới rộng giãn cách. Lá chắn vắc xin đảm bảo cho việc di chuyển, sinh hoạt, lao động của người dân. Việc chuẩn bị và tranh thủ mọi nguồn vắc xin cũng cần đi đôi với các nguyên tắc rạch ròi về đối tượng ưu tiên và sau đó là sự bình đẳng trong tiếp cận. Cần lường trước có thể sắp tới đây, khi dự thảo nới giãn cách được thông qua, sẽ dễ nảy sinh việc trong các vùng tâm dịch, nhu cầu tiêm vắc xin của người dân tăng cao, dẫn tới những tiêu cực phân phối ở cơ sở.
Ngoài ra, trong điều kiện còn khó khăn về nguồn vắc xin, thì việc buộc phải trì hoãn tiến độ phân phối vắc xin cho những nơi đang kiểm soát dịch tốt, ưu tiên vắc xin cho vùng tâm dịch, vùng nguy cơ cao, nơi còn tỷ lệ lây nhiễm phức tạp. Nhất là các vùng đỏ trên bản đồ dịch của miền Nam (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) lại là những vùng trọng điểm kinh tế của đất nước. Doanh nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ logistics… cần được “chữa lành” bằng chính sách thẻ xanh vắc xin để tái hoạt động và cả những chính sách hỗ trợ cụ thể để người lao động lẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm trụ lại.
Một trong những tháo gỡ cần thiết trong chính sách nới giãn cách, chính là cần tư duy lại về mặt hàng thiết yếu. Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng thời gian qua có những diễn dịch tùy tiện về hàng thiết yếu và thực thi máy móc mỗi nơi một kiểu. Gỡ “vòng kim cô” này sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội kịp gượng dậy sau thời gian dài khó khăn.
Trong phát ngôn mới đây của Thủ tướng, việc “đả thông” chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics cũng được nhấn mạnh. Cũng cần nhắc lại phát ngôn gần đây của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: “Tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu dù phục vụ sinh hoạt hay sản xuất cũng như nhau, chỉ trừ hàng cấm”. Nhận thức đó cần phải thông suốt với chủ trương, thống nhất trong chính sách, chỉ đạo của thời kỳ nới rộng giãn cách chuyển sang bình thường mới, để không gây bối rối cho doanh nghiệp, tạo nên những tranh cãi và bất nhất trong thi hành và rối loạn không đáng có cho nền kinh tế.
Làm được điều này, cần điều chỉnh chỉ thị giãn cách hoặc cân nhắc để có những điều khoản thức thời, khả thi và hợp lý. Đảm bảo vắc xin cho người dân và vắc xin cho nền kinh tế cần song hành trong một bước chuyển mới về đối phó với đại dịch.
Bình luận (0)