Điều kiện để tham gia thi tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực ngành sư phạm

05/03/2023 17:20 GMT+7

Học sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên cần lưu ý ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đó, phương thức xét điểm bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn cần học lực giỏi năm lớp 12.

Ngành giáo viên xét tuyển bài thi đánh giá năng lực cần học lực giỏi

Thông tin ngưỡng đầu vào xét tuyển bài thi đánh giá năng lực được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại Trường ĐH Nha Trang sáng 5.3. Chương trình có sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 học sinh tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đồng thời chương trình được phát trực tuyến tại website thanhnien.vn, fanpage trên Facebook và kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên đến với học sinh cả nước.

Lưu ý ngưỡng đầu vào trong xét tuyển bài thi đánh giá năng lực - Ảnh 1.

Học sinh tỉnh Khánh Hòa trong chương trình Tư vấn mùa thi sáng nay

BÁ DUY

Chia sẻ trong chương trình, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lưu ý kỳ thi do trường tổ chức theo từng môn riêng biệt và học sinh chỉ cần dự thi môn theo tổ hợp xét tuyển phù hợp ngành xét tuyển. Trường tổ chức 2 đợt, thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến và thí sinh làm bài trực tiếp trên máy tính tại các điểm thi trường tổ chức. Nếu có nhiều thí sinh tỉnh đăng ký, trường sẽ xem xét mở điểm thi tại các tỉnh.

"Tuy nhiên, học sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên vẫn cần lưu ý ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Phương thức này kết hợp với điểm học bạ THPT nên học sinh cần đạt ngưỡng đầu vào là học sinh giỏi lớp 12", thạc sĩ Quốc lưu ý.

Tiến sĩ Bùi Văn Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khánh Hòa, cho biết trường tuyển sinh 55 ngành thuộc nhiều khối ngành khác nhau. Các phương thức xét tuyển được sử dụng năm nay gồm: dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM... Ngưỡng đảm bảo đầu vào các ngành đào tạo giáo viên với phương thức xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực cần có học bạ loại giỏi lớp 12. Với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, ngưỡng điểm áp dụng theo mức điểm sàn Bộ GD-ĐT công bố. Ngoài ra, các ngành khác cần có ngưỡng đầu vào ngoại ngữ.

Điều kiện để tham gia thi tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực ngành sư phạm - Ảnh 2.

Các hoạt động tại gian hàng triển lãm của chương trình Tư vấn mùa thi thu hút học sinh tham gia

Thủ khoa chia sẻ cách học thi đạt điểm cao

Cũng trong chương trình, Trần Thị Hiệp, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Nha Trang, chia sẻ về cách ôn tập và làm bài thi hiệu quả.

Theo thủ khoa này, để làm được bài tốt nghiệp THPT cần quá trình ôn tập dài và kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là giữ sức khỏe tốt và hạn chế việc thức thâu đêm học bài trong thời gian dài. Bởi lẽ, việc thức đêm dài ngày chỉ giúp tăng hiệu quả học tập trong thời gian ngắn nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe cũng như kết quả học tập. Do vậy, theo Hiệp: "Học sinh năm cuối nên lên kế hoạch phù hợp cho từng ngày, theo môn học cụ thể".

Trong đó, riêng việc luyện đề, thủ khoa này lưu ý kinh nghiệm bản thân: "Mình không quan trọng số lượng đề làm được mà chất lượng mỗi đề, sau khi làm bài mình dành thời gian đánh giá hiệu quả làm bài và chú trọng những câu sai để tiếp tục rèn giũa thêm".

Về cách làm bài, thủ khoa này cho rằng cần tuân thủ việc đọc thật kỹ đề, ưu tiên làm câu dễ trước khó sau. "Sau khi hoàn thành không nên ra khỏi phòng thi sớm mà nên dành thời gian để kiểm dò để chắc chắn hơn về bài làm của mình", thủ khoa nhắn nhủ thêm.

Lưu ý ngưỡng đầu vào trong xét tuyển bài thi đánh giá năng lực - Ảnh 3.

Nhiều băn khoăn của học sinh về chọn ngành nghề đã được giải đáp trong chương trình

BÁ DUY

Chọn ngành cần xuất phát từ sự thấu hiểu bản thân

Cũng trong chương trình, rất nhiều băn khoăn của học sinh cuối cấp THPT liên quan đến cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trước những tác động của dịch bệnh và sự phát triển của công nghệ đến xu hướng việc làm, nhiều học sinh tỉnh Khánh Hòa bày tỏ trong chương trình nhiều băn khoăn, lo lắng về nguy cơ bị thất nghiệp trong tương lai.

Nhưng PGS-TS Ngô Đăng Nghĩa, giảng viên cao cấp Trường ĐH Nha Trang, nhận định: "Dựa trên kiến thức đã học, sự tự tin của bản thân các em đưa ra quyết định trong chọn ngành nghề. Việc lựa chọn ngành học, trường học cần xuất phát từ sự hiểu bản thân mình. Bởi nghề đã chọn sẽ theo mình suốt cuộc đời, không chỉ liên quan bản thân các em mà còn tới sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Nhưng có điều chắc chắn, nếu chọn lựa đúng thì các em có thể trở thành những người xuất sắc và chính sự xuất sắc trong chọn nghề của các em sẽ giúp đất nước phát triển".

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế-Giám đốc Trung tâm giáo dục tổng quát và đổi mới sáng tạo Trường ĐH Thái Bình Dương, cũng cho rằng người trẻ nên có suy nghĩ rộng hơn về chọn ngành chọn nghề trong tương lai vì sự thay đổi là xu hướng tất yếu. Ông Minh nói: "20 năm trước chúng ta chưa hề nghĩ đến từ việc sử dụng điện thoại có thể giúp chúng ta di chuyển bằng xe công nghệ nhưng rồi nó đã xảy ra. Để thích ứng cho sự thay đổi này của tương lai thì việc tích lũy kiến thức, kỹ năng trong trường ĐH là cần thiết".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.