Điều kiện nào để giáo dục TP.HCM đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045?

31/12/2022 08:15 GMT+7

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM , TP xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045.

Ngày 30.12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của giáo dục TP.HCM là đổi mới, phát triển toàn diện học sinh, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân

ĐÀo NGỌC THẠCH

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TP xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Trong đó mục tiêu tổng quát là đổi mới, phát triển toàn diện học sinh, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo học sinh có năng lực tiếp thu, có tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP… Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục, đảm bảo người học có đủ kiến thức và kỹ năng, trở thành nguồn nhân lực xây dựng TP chuyển đổi số, TP thông minh; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngành và tiến tới xây dựng TP thông minh.

Giáo dục năm 2022: điểm nhấn từ giáo viên!

Trong dự thảo chiến lược xây dựng phát triển ngành giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra 8 giải pháp và nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn này. Trong đó, trước hết cần triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực GD-ĐT để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường hội nhập quốc tế.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục

đào ngọc thạch

Những góp ý từ thực tế

Tham gia hội thảo góp ý cho dự thảo, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đặt ra các mục tiêu thực hiện rất rõ ràng nhưng cần cụ thể hơn. “Chúng ta luôn nói giáo dục phát triển trong bối cảnh 4.0 nhưng cụ thể có những yêu cầu gì, cần thực hiện những thay đổi gì để đáp ứng bối cảnh đó thì chưa được xác định rõ. Tôi cho rằng đó là những nội dung phụ huynh và học sinh cần biết chứ không phải những chủ trương chung chung, chỉ đạo của thông tư, nghị quyết”, TS Huỳnh Công Minh đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ý kiến xã hội hóa giáo dục chưa có chỗ đứng phù hợp trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục này. Trên thực tế, cần xem xã hội hóa giáo dục là giải pháp đột phá đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Còn nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng phải quan tâm đặc biệt đến giáo dục phổ thông bởi nếu làm không tốt sẽ không tạo ra con người mới. Riêng với bậc mầm non, nhà giáo Trương Song Đức nhìn nhận đây là bậc học có tính đặc thù, cần ưu tiên phát triển hệ thống trường công lập vì tỷ lệ người nghèo, công nhân lao động trong xã hội còn rất lớn. Hiện nay, mỗi phường, xã được xác định có ít nhất một trường mầm non công lập chưa thể giải quyết hết nhu cầu gửi con của người dân.

Chiến lược phát triển giáo dục hài hòa, toàn diện

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tổ soạn thảo dự thảo chiến lược phát triển sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, nhà giáo. TP luôn đảm bảo mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, chiến lược phát triển giáo dục cần hài hòa, toàn diện từ bậc mầm non đến phổ thông, ĐH và sau ĐH. Lãnh đạo TP cũng đề nghị ngành giáo dục tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo chiến lược, đồng thời có lộ trình trình UBND TP phê duyệt, phù hợp lộ trình chiến lược phát triển giáo dục chung của quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Trương Song Đức chỉ ra thực trạng “nói nhiều lắm rồi” là nhà vệ sinh trường học. Nên chăng dành ngân sách nhà nước để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh trong các trường học vì với tình trạng hiện nay học sinh không dám sử dụng?

Tham dự hội thảo, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện cùng hiệu trưởng các trường THPT có ý kiến rằng các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn tới cần có sự tính toán riêng đối với từng khu vực đặc thù. Chẳng hạn, các quận thuộc khu vực nội thành thì hạn chế về quỹ đất còn các quận, huyện vùng ven, tập trung đông dân nhập cư, khó khăn về điều kiện xã hội hóa thì cũng cần có những tiêu chí khác nhau…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.