Điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm, sức khỏe: Cần lộ trình thực hiện?

10/12/2024 06:45 GMT+7

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non vẫn đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh ngưỡng đảm bảo đầu vào tuyển sinh với khối ngành sức khỏe và sư phạm.

Theo dự thảo, thí sinh không có học lực tốt 3 năm THPT sẽ không được xét tuyển vào nhiều ngành của 2 lĩnh vực đào tạo đặc thù này.

NÂNG MẠNH CHUẨN ĐẦU VÀO NGÀNH SƯ PHẠM, SỨC KHỎE

Theo dự thảo, học sinh (HS) cần có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi từ năm 2024 trở về trước, Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng cần đạt là kết quả học tập lớp 12 đạt học lực loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8 trở lên.

Điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm, sức khỏe: Cần lộ trình thực hiện?- Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Không chỉ yêu cầu tăng số lượng năm học, dự thảo còn quy định ngưỡng đảm bảo điều kiện trên áp dụng cho tất cả các phương thức xét tuyển. Trong khi đó, quy chế hiện hành chỉ yêu cầu ngưỡng đảm bảo điều kiện đầu vào với các phương thức xét ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT. Có nghĩa, nếu dự thảo được ban hành chính thức, năm 2025 dù xét tuyển bằng phương thức nào, HS cũng cần đạt học lực tốt 3 năm THPT khi đăng ký vào các ngành trên thuộc khối ngành sư phạm và sức khỏe.

Một số ngành khác thuộc 2 khối ngành có yêu cầu ngưỡng đảm bảo đầu vào thấp hơn như: giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Theo đó, dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

PHỤ HUYNH, THÍ SINH BĂN KHOĂN

Sau khi dự thảo được ban hành, nhiều HS và phụ huynh bày tỏ băn khoăn khi điều chỉnh này nếu ban hành sẽ tác động lớn đến người học.

Một phụ huynh ý kiến đến Báo Thanh Niên: "Bộ GD-ĐT dự kiến thay đổi tuyển sinh ĐH năm 2025, trong đó có quy định ngưỡng đầu vào đối với các ngành đào tạo bác sĩ. Dự thảo yêu cầu HS cần có học lực tốt cả 3 năm THPT mới đủ điều kiện xét tuyển. Có những HS đã tốt nghiệp THPT các năm trước muốn thi lại để xét tuyển vào ngành bác sĩ năm sau, sẽ không thực hiện được bởi các em chỉ học tập trung vào 3 môn thi ĐH. Nếu áp dụng ngay quy định này năm nay cho tất cả HS sẽ thiệt thòi với các HS đã tốt nghiệp các năm trước. Nên chăng chỉ thực hiện cho những HS bắt đầu vào lớp 10 năm nay".

Một phụ huynh khác cũng băn khoăn: "Mình đọc dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 thấy HS muốn đăng ký xét tuyển vào một số ngành sư phạm và ngành đào tạo bác sĩ phải có học tập trong cả 3 năm THPT xếp mức tốt trở lên, hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Mình không ý kiến về việc nâng chuẩn, nhưng thiết nghĩ cần có lộ trình phù hợp, nếu muốn thay đổi Bộ GD-ĐT cần thông báo để HS nắm thông tin ngay khi vào lớp 10 để có sự chuẩn bị. Đặc biệt, quy định mới này nếu áp dụng với cả HS đã tốt nghiệp THPT năm 2024 trở về trước nhưng thi lại ĐH vào các ngành giáo viên và đào tạo bác sĩ này, thì thiệt thòi và thiếu công bằng với các em".

CẦN ĐẶT NGƯỠNG NHƯNG NÊN CUỐN CHIẾU THEO LỘ TRÌNH

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ủng hộ quan điểm cần có ngưỡng đầu vào khi tuyển sinh 2 khối ngành đặc thù như trước nay. Tuy nhiên, thạc sĩ Quốc cũng cho rằng việc sửa đổi cần thực hiện cuốn chiếu theo lộ trình phù hợp để đảm bảo an toàn cho HS có sự chuẩn bị và chưa có sự chuẩn bị về sự thay đổi. Thực ra, theo thạc sĩ Quốc, quy định ngưỡng đầu vào với 2 khối ngành đào tạo này không mới, ngay với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT các năm trước cũng đã có sàn chung do Bộ GD-ĐT quy định. Việc đưa ra ngưỡng đầu vào này còn cần xem xét cụ thể kết quả học tập của HS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng bày tỏ băn khoăn nếu dự thảo quy định học lực tốt cả 3 năm THPT với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi từ trước nay, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp đã có quy định điểm sàn, HS cần đạt mức điểm tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định mới được xét tuyển vào các ngành quy định. Về mặt nguyên tắc không cần khống chế hai hàng rào. Hơn nữa, theo PGS Khôi, có thể một số HS chỉ tập trung vào một số lĩnh vực mà không đồng đều tất cả các môn, nhưng các lĩnh vực cần thiết để theo học khối ngành các em đạt học lực tốt. PGS Khôi cho rằng điều kiện này với các phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT cần thiết nhưng cần xem xét thêm với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm, sức khỏe: Cần lộ trình thực hiện?- Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được hướng dẫn thực tập tại bệnh viện

ảnh: ngọc dương

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: "Nếu quy định mới này áp dụng ngay trong năm 2025 thì nhiều thí sinh sẽ bị ảnh hưởng so với quy chế những năm trước mà các em đã căn cứ để có kế hoạch học tập". Từ đó, thạc sĩ Khang đề xuất: "Bộ GD-ĐT cần cân nhắc lộ trình áp dụng phù hợp đối với những quy định mà ảnh hưởng đến quyền lợi của các HS đã chuẩn bị từ khi vào học lớp 10".

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đề xuất: "Bất cứ quy chế nào ban hành ra nếu có thay đổi so với trước thì cũng cần có thời gian áp dụng để không gây ảnh hưởng đến thí sinh. Do đó, nên chăng năm 2025 vẫn áp dụng ngưỡng đầu vào là học lực tốt năm lớp 12 và mở rộng phạm vi áp dụng học lực tốt 2 năm lớp 11 và 12 cho năm tuyển sinh 2026 và yêu cầu học lực tốt 3 năm THPT cho năm 2027".

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, dự thảo cũng nên cân nhắc áp dụng việc nâng ngưỡng đầu vào với các ngành đào tạo giáo viên. Vì trong bối cảnh hiện nay tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương, việc nâng chuẩn quá cao đối với ngành sư phạm sẽ làm cho nguồn nhân lực giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới nếu như chưa có những chính sách tốt hơn cho đội ngũ này.

HS được xếp loại học lực tốt THPT theo chương trình mới khó hơn trước

Với góc nhìn từ bậc học phổ thông, hiệu trưởng một trường THPT cho rằng theo cách đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nếu là nghiêm túc thì việc một HS được xếp loại học lực tốt bậc THPT sẽ khó hơn so với cách đánh giá trước đây. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng quy định ràng buộc học lực tốt với thí sinh thi tuyển vào 2 khối ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, là cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.