Tập trung vào mục tiêu, công việc
8 giờ sáng, Lê Duy Tâm (28 tuổi) đến văn phòng công ty trên đường Tôn Thất Tùng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM với tâm trạng áp lực. 8 giờ 15, chưa vào công việc, Tâm đã nghe thấy những tiếng thở dài, than vãn. Đã 6 tháng trôi qua với mức lương giảm từ 10 đến 30%, Tâm nhận thấy không gian làm việc bớt đi tiếng cười.
Hết giờ hành chính, Tâm tiếp tục đến bệnh viện để chăm sóc cho bà. 9 giờ tối, Tâm ngồi trong góc phòng bệnh viện, dù đầu óc hơi rối ren, nhưng Tâm cảm thấy hài lòng. Dù có bận bịu và mệt mỏi tới đâu, Tâm cũng có thể dành thời gian cho gia đình.
"Mục tiêu của mình là kiếm tiền và dành thời gian để chăm sóc cho bà. Những điều khác không còn ảnh hưởng tới mình nữa. Mình bớt quan tâm đi những thứ khó chịu, không vui. Trong công việc luôn làm đúng trách nhiệm của mình, làm tốt nhất có thể. Ai cũng sẽ có những rắc rối trong đời, gặp những nỗi buồn cũng là điều khó tránh khỏi. Điều tốt nhất là ngưng nghĩ đến những thứ không thực sự giúp mình tốt hơn", Tâm đưa ra quan điểm.
Nguyễn Thị Hồng Diễm (25 tuổi) ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai, đã mất nhiều năm nỗ lực để trở thành sinh viên. Gia cảnh khó khăn, mẹ của Diễm phải vay mượn khắp nơi để có tiền cho con được đi học. Niềm vui khi còn bé của cô gái này là luôn được ba mẹ mua cho nhiều sách, báo để đọc và nghiên cứu kiến thức. Trước khi trở thành chuyên viên chiến lược nội dung của TikTok Việt Nam, Diễm cũng từng chìm trong tiêu cực khi thường xuyên so sánh bản thân với người khác.
“Thời điểm mình mới tốt nghiệp đại học, loay hoay mãi mà chưa tìm được công việc như ý. Bạn bè cùng ngành đều có thu nhập rất cao. Nhưng lương của mình chỉ quanh quẩn vài ba triệu đồng. Học hỏi và tiếp xúc với nhiều người đã khiến mình có thêm những tư duy mới. Sự bớt quan tâm đến những điều không liên quan đã khiến mình có được kết quả như mong muốn”, Diễm kể.
Sau nhiều thứ xảy ra, Diễm nhận ra nên tập trung vào hành động để cải thiện và thay đổi cuộc đời. Diễm chấp nhận cuộc sống khó khăn, không có sự hoàn hảo, dễ dàng. Thay vì sợ hãi hay than vãn, Diễm luôn chuẩn bị để đối đầu với mọi thứ có thể xảy ra.
"Mình nghĩ thành công nào cũng phải đánh đổi. Luôn hỏi mình sẽ sẵn sàng chịu đựng điều gì để đạt được mục tiêu. Nhờ vậy, sẽ tìm được hướng đi phù hợp với mình. Thay vì ngồi than vãn, mình đã tự học thêm nhiều kỹ năng mới, học cả những ngày lễ, tết. Mình chấp nhận bản thân, hài lòng với mức lương thấp và tiếp tục theo đuổi mục tiêu", Diễm nhớ lại quá trình phấn đấu để được vào công ty đa quốc gia.
Một lúc quan tâm nhiều thứ sẽ không làm tốt được gì
Nỗ lực rất nhiều, nhưng Đào Thị Đoan Thảo (20 tuổi) chấp nhận tạm dừng chuyện học tập vì gia cảnh quá khó khăn. Năm học lớp 12, Thảo đạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi TP.Đà Nẵng môn lịch sử. Sau đó, Thảo được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Tuy nhiên, vì quá lo lắng chỉ có mẹ đi làm nuôi các em, Thảo đã phải bảo lưu kết quả học tập để giúp đỡ gia đình.
"Nhà mình 4 người nhưng chỉ có một chiếc xe. Nhiều hôm đi học phải sắp xếp chạy về đưa xe cho mẹ đi bán. Ở nhà có quá nhiều thứ phải lo, nên mình không thể tập trung. Mình chấp nhận tạm thời dừng lại việc học, làm gì đó để có kinh tế ổn hơn. Mình không quan tâm sẽ khó khăn như thế nào. Chỉ cần sau này được đi học lại là mục tiêu lớn nhất của mình", Thảo tâm sự.
Thảo cùng mẹ chăm sóc 2 em từ nhiều năm qua. Thảo làm gia sư, lấy tiền đó làm vốn mở quán cà phê. Trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu, P.Bình Thuận, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, 5 tháng qua, quán của Thảo kinh doanh chưa có nhiều thuận lợi. Nhưng lần này, Thảo không thể từ bỏ. Vì quán cà phê là hy vọng duy nhất giúp đỡ được cho mẹ và các em.
Thảo không quan tâm đến những thiếu thốn ở hiện tại. Thứ duy nhất nữ sinh này quan tâm là cải thiện được chất lượng dịch vụ quán cà phê, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, Thảo luôn tập trung làm cho bản thân mạnh mẽ hơn. Tất cả điều này đã khiến Thảo luôn vững tâm trong quá trình kinh doanh khó khăn.
Nguyễn Văn Sỹ (26 tuổi), cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Từ ngày tốt nghiệp đại học, không như nhiều bạn, Sỹ chọn làm công việc tự do. Dù phải làm nhiều việc khác nhau để duy trì tài chính, nhưng Sỹ vẫn nuôi dưỡng đam mê lập trình game.
Sau 4 năm nỗ lực, Sỹ đã có thể tự xây dựng được một tựa game sinh tồn mang thương hiệu cá nhân. Từ khâu phát triển, sửa lỗi, chăm sóc người chơi… đều được một mình Sỹ thực hiện.
Dù có kinh nghiệm nhiều năm làm game nhưng Sỹ cũng không tránh khỏi những sai sót. Bớt quan tâm đến những ý kiến chê trách, Sỹ chỉ chọn những góp ý hay. Điều này giúp Sỹ tiết kiệm được khá nhiều thời gian để vẽ ra thêm chức năng mới. Có rất nhiều lời mời hấp dẫn mong muốn được hợp tác để phát triển sản phẩm. Nhưng Sỹ từ chối, tập trung tự mình làm sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhất.
“Mình luôn nhắc nhở bản thân chỉ cần tạo ra một sản phẩm mà mình thích thì có thể mọi người sẽ thích. Điều này giúp mình giảm được khá nhiều khó khăn thay vì đi tìm sở thích của mọi người. Hiện tại sản phẩm của mình đang có 70.000 người chơi chỉ sau 2 tháng ra mắt”, Sỹ hào hứng nói.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa Tâm lý, Bệnh viện Vinmec) không nên liên tục quan tâm đến những thứ không liên quan. Vì một lúc nào đó con người sẽ mất đi sự tập trung vào những thứ thực sự quan trọng. Khi đó, trí nhớ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này giải thích vì sao nhiều người không còn học tập, làm việc tốt như trước, trí nhớ càng ngày càng giảm. Họ luôn có cảm giác chán vì không thể đi sâu vào bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.
Bình luận (0)