Điệu múa mặt nạ linh thiêng, độc đáo chỉ biểu diễn mỗi năm 2 lần ở Bhutan

25/10/2022 12:00 GMT+7

Drametse Ngacham là điệu múa thiêng do dân làng Drametse biểu diễn mỗi năm 2 lần trong lễ hội Drametse, diễn ra vào các tháng thứ năm và thứ mười của lịch Bhutan.

Nếu đến miền Đông Bhutan, có thể bạn sẽ có dịp thưởng thức vũ điệu Drametse Ngacham. Vũ điệu này thường do tu viện Ogyen Tegchok Namdroel Choeling tổ chức để tôn vinh Padmasambhava, một đạo sư Phật giáo thế kỷ thứ 8.

Các vũ công mặc áo tu và đeo mặt nạ gỗ, có đặc điểm của những động vật có thật và trong thần thoại

actualtravelbhutan.com

Ngày nay, Drametse Ngacham đã trở thành một điệu múa dân tộc, đại diện cho bản sắc của quốc gia Bhutan

fabook.com

Nga có nghĩa là "trống", còn cham là "múa mặt nạ". Cái tên Drametse Ngacham có nghĩa là "điệu múa mặt nạ của trống từ Drametse". Màn múa này có 16 vũ công nam đeo mặt nạ, vận trang phục sặc sỡ và 10 nhạc công nam tạo thành dàn nhạc. Các vũ công mặc áo tu và đeo mặt nạ gỗ, có đặc điểm của những động vật có thật và trong thần thoại.

Họ biểu diễn điệu nhảy cầu nguyện trong điện thờ chính gọi là soeldep cham, trước khi xuất hiện từng người một trong sân của tu viện. Dàn nhạc bao gồm chũm chọe, kèn, bang nga (trống hình trụ lớn), lag nga (trống hình tròn cầm tay loại nhỏ) và nga chen (trống đánh bằng dùi cong).

Điệu múa có hai phần: một phần trầm tĩnh, trầm ngâm để đại diện cho các vị thần hòa bình; phần còn lại thì nhanh nhẹn, khỏe khoắn thể hiện những vị thần phẫn nộ. Trong điệu múa thỉnh thoảng có âm thanh ngân nga kéo dài làm nền và từng tiếng trống, chũm chọe giữ nhịp.

Người dân Bhutan đã biểu diễn Drametse Ngacham trong tu viện khoảng 5 thế kỷ qua. Hình thức của điệu múa này có cả ý nghĩa tôn giáo và văn hóa, khởi thủy được cho là do các anh hùng và anh thư trên thiên đường thể hiện. Vào thế kỷ 19, nhiều phiên bản Drametse Ngacham đã được giới thiệu đến những vùng khác ở Bhutan.

Miền Đông Bhutan có nhiều phương ngữ, phong tục tập quán rất phong phú, đặc biệt là điệu múa Drametse Ngacham trên vùng cao nguyên

actualtravelbhutan.com

Đối với khán giả, điệu múa này là nguồn sức mạnh tinh thần của dân làng Drametse cũng như dân các làng và huyện lân cận, họ tham gia nhằm có được phước lành. Ngày nay, từ một điệu múa mang tính địa phương, Drametse Ngacham đã trở thành một loại hình nghệ thuật, một điệu múa dân tộc, đại diện cho bản sắc của quốc gia Bhutan.

Từ năm 2008, UNESCO đã đưa Drametse Ngacham vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuy nhiên từ năm 2005 điệu múa này đã được công bố. Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa thuộc Đại học Hoàng gia Bhutan đã phối hợp và thực hiện dự án bảo tồn và quảng bá điệu múa mặt nạ này.

Thông qua UNESCO, Quỹ Tín thác Nhật Bản về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể đã tài trợ bảo tồn điệu múa Drametse Ngacham, tăng cường năng lực đào tạo cho tu viện, biên soạn tài liệu, ghi video về điệu nhảy, nghiên cứu lịch sử của Drametse Ngacham và các hoạt động quảng bá cho điệu múa này.

Người dân Bhutan trong trang phục truyền thống

worldtourplan.com, himalayanglacier.com

Theo Wikipedia, kết quả của dự án là một quyển sách về Drametse Ngacham viết bằng tiếng Anh và tiếng Dzongkha, kèm theo là một bộ phim.

Mặc dù điệu múa mặt nạ ở Bhutan được các thế hệ đánh giá cao nhưng số lượng người tập ngày càng ít do không có thời gian tập luyện, dù có cố gắng song hệ thống đào tạo vẫn chưa khuyến khích được giới trẻ ghi danh học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.