Điều nguy hại gì xảy ra nếu cơ thể bạn thiếu kẽm?

08/07/2020 04:07 GMT+7

Kẽm là khoáng chất vi lượng nhiều thứ hai trong cơ thể, chỉ sau sắt, và có mặt trong mọi tế bào.

Kẽm cần thiết cho mọi quá trình trong cơ thể, gồm tổng hợp ADN, chức năng miễn dịch, chuyển hóa và tăng trưởng, theo The Health Site.

Tại sao cơ thể bạn cần kẽm?

Cơ thể cần kẽm để thực hiện nhiều quá trình quan trọng như:
• Cần cho các chức năng chuyển hóa
Kẽm cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzyme hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, chức năng thần kinh và nhiều quá trình khác.
• Duy trì hệ miễn dịch
Kẽm rất quan trọng cho sự phát triển và duy trì chức năng của các tế bào miễn dịch như tế bào bẩm sinh, tế bào bạch cầu và tế bào tiêu diệt tự nhiên.
Kẽm cần cho sự phát triển và kích hoạt tế bào lympho T và B, rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, theo NCBI.
• Tham gia nhiều quá trình sống trong cơ thể
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, tổng hợp ADN, phân chia tế bào, hình thành collagen, tổng hợp protein, tất cả các quá trình cần thiết để tái tạo mô và làm lành vết thương.
• Cần thiết cho vị giác và khứu giác
Một trong những enzyme quan trọng cho vị giác và khứu giác phụ thuộc vào kẽm, thiếu kẽm có thể làm giảm khả năng nếm hoặc ngửi.
• Dẫn truyền thần kinh
Kẽm cũng hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh và giúp các tế bào trong cơ thể giao tiếp với nhau.
• Chống lại bệnh do tuổi tác
Kẽm làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh do tuổi tác, như viêm phổi, nhiễm trùng và thoái hóa điểm vàng.
• Vai trò của kẽm đối với nam giới
Nghiên cứu cho thấy nam giới trẻ tuổi, ăn theo chế độ ăn thiếu kẽm trong 20 tuần, đã giảm đến 75% hàm lượng hoóc môn nam tính testosterone.
Đồng thời, nghiên cứu cũng phát hiện, ở người cao tuổi, lượng kẽm tăng lên đã làm tăng gấp đôi lượng hoóc môn nam tính testosterone, theo Health Line.
Nghiên cứu cũng kết luận rằng ở nam giới, kẽm có tác động tích cực đến kích thích và duy trì sự cương cứng.

Thiếu kẽm gây ra điều nguy hiểm gì?

Thiếu kẽm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như sau:
• Trẻ tăng trưởng chậm
• Bất lực ở nam giới, yếu sinh lý
• Tiêu chảy
• Rụng tóc
• Tổn thương mắt và da
• Chán ăn
• Suy giảm miễn dịch

Làm sao để có đủ kẽm?

Cơ thể không tự tạo ra kẽm. Nhưng rất may là nhiều loại thực phẩm rất giàu kẽm, giúp hầu hết mọi người dễ dàng tiêu thụ đủ lượng cần thiết.
Sau đây là 5 loại thực phẩm giàu kẽm nhất:
1. Hàu
Động vật có vỏ như hàu, cua, trai, ốc, sò và tôm là những nguồn kẽm tốt cho sức khỏe, ít calo.
Thai phụ nên ăn hàu đã nấu chín để tránh ngộ độc thực phẩm.
2. Thịt, cá, trứng
Thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt gà là nguồn kẽm tuyệt vời. Cá mòi, cá hồi và trứng cũng chứa nhiều kẽm.
3. Sản phẩm sữa
Sữa, sữa chua và phô mai chứa lượng kẽm sinh học cao, rất dễ được cơ thể hấp thu.
4. Các loại đậu
Các loại đậu chứa lượng kẽm đáng kể.
5. Các loại hạt
Hạt điều, hạt bí, đậu phộng và hạnh nhân là nguồn kẽm phong phú.
Tuy nhiên, động vật chứa nhiều kẽm hơn thực vật. Và kẽm động vật dễ hấp thu hơn kẽm thực vật.

Cơ thể cần bao nhiêu kẽm?

Lượng kẽm khuyến nghị hằng ngày là 11 mg cho nam giới trưởng thành và 8 mg ở phụ nữ.
Phụ nữ mang thai cần 11 mg và các bà mẹ cho con bú cần 12 mg kẽm mỗi ngày.
Uống bổ sung kẽm liều cao có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm, nên cần phải tuân thủ các khuyến nghị và chỉ bổ sung khi có ý kiến bác sĩ, theo The Health Site.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.