Điều phi thường của yêu thương: ‘Giải mã’ nữ trưởng khoa virus học

05/03/2021 17:20 GMT+7

Chúng tôi đã cùng chị thử ‘giả mã’ bản thân - để hiểu hơn về khoa học và về một người mang nhiều nét tính cách của phụ nữ Việt Nam.

TS Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

TS Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 

Nữ khoa học “giải mã” virus SARS-CoV-2

PV: Khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta vào đầu năm 2020, chị và các đồng nghiệp đã gấp rút liên hệ với Trung tâm nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford; Viện các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản; phòng thí nghiệm của Berlin, Đức để có được bộ mồi chuẩn để thực hiện chẩn đoán bệnh. Vì sao lúc đó chúng ta phải gấp rút như vậy?
TS Hoàng Vũ Mai Phương: Mồi chẩn đoán có thể xác định đoạn gen đặc hiệu của virus khi đưa vào mẫu bệnh phẩm, nhờ đó có thể khẳng định được bệnh phẩm có nhiễm COVID-19 hay không. Chính vì vậy, chúng tôi phải hết sức gấp rút để có được mồi chuẩn để thực hiện được các xét nghiệm xác định ca bệnh. Đến ngày 31.1.2020, Việt Nam đã có mồi đặc hiệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, sau đó áp dụng kỹ thuật Realtime RT - PCR rút ngắn được thời gian xét nghiệm xuống 24-48 giờ thay vì 3-4 ngày như trước đây.
PV: Chưa đầy một tháng sau đó, vào ngày 7.2.2020, chị và các đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nuôi cấp, phân lập được virus SARS-CoV-2. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện được việc này. Khi bắt tay vào thực hiện, chị có bao giờ xuất hiện cảm giác mình sẽ thành công hay không?
TS Mai Phương: Có. Chúng tôi nghĩ là mình làm được. Ngoài cảm giác đó, chúng tôi còn dựa trên dựa trên kinh nghiệm về sinh học phân tử, kinh nghiệm của những nhà khoa học đi trước. Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là tuyến cuối về chẩn đoán virus học. Nếu chúng tôi không làm được nữa thì phải làm sao đây? Trước mắt chúng tôi là những bức tranh tối màu nếu chúng tôi không tiến lên.
PV: Có một chi tiết khá thú vị là đã khi gần như xác định đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn quyết định phải thực hiện thêm một bước nữa là phải tận mắt nhìn thấy hình dạng con virus gây chết người này. Vì sao lại phải có thêm một bước đi nữa như thế này?
TS Hoàng Vũ Mai Phương: Sau 72 giờ nuôi cấy, thông qua realtime RT-PCR, chúng tôi thấy nồng độ của virus tăng một mức đáng kể. Nhưng để xác định có virus hay không trong dịch nuôi cấy phải dùng đến kính hiển vi điện tử để quan sát tận mắt. Phòng thí nghiệm siêu cấu trúc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện việc quan sát virus SARS-CoV-2 trong dịch nuôi cấy bằng kính hiển vi điện tử.

“Giải mã” nữ khoa học: Sau những công việc là phút giây hạnh phúc khi được nấu cho gia đình được bữa cơm nhà

TS Hoàng Vũ Mai Phương - Đời thường

TS Hoàng Vũ Mai Phương - Đời thường

PV: Thưa chị, công việc chống dịch bệnh vừa nguy hiểm vừa cực nhọc. Chị và các đồng nghiệp đã cân bằng giữa công việc và gia đình của mình như thế nào?
TS Hoàng Vũ Mai Phương: Trong lĩnh vực này, có nhiều cán bộ nữ tham gia thực hiện xét nghiệm và nghiên cứu. Có thể bản chất khéo tay, bền bỉ, tỉ mỉ của chúng tôi phù hợp với công việc này. Trong những lần chống dịch, tôi cũng thấy các bạn nữ vừa đi thực địa, thu thập mẫu bệnh phẩm, làm việc tại khu cách ly, bệnh viện nhưng vẫn vừa phải quán xuyến, thu xếp chuyện gia đình. Tại phòng thí nghiệm chúng tôi, nếu ai đó rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc gia đình có việc gì chưa ổn thì chúng tôi luôn cố gắng giúp nhau, điều tiết công việc để giảm bớt áp lực cho người đó.
PV: Đảm nhiệm trọng trách là Trưởng khoa virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong cao điểm chống dịch COVID-19 trong 2 năm qua, chị có “bí kíp” gì không khi phải thu xếp ổn thỏa giữa công việc và gia đình?
TS Hoàng Vũ Mai Phương: Thật ra trong nghề này chúng tôi đã quen với những khi xảy ra “có biến” khi xuất hiện dịch bệnh. Với tôi, khi đó, đầu tiên là thông báo lịch làm việc cho những thành viên trong gia đình để mọi người biết, thông cảm và hỗ trợ cho mình. Con sẽ phải nhờ thêm nhà ông bà nội/ngoại giúp đỡ; nhắc nhở chồng phải ít nhiều tự chăm lo bản thân. Những khi nào mẫu bệnh phẩm ít dần đi hoặc khi tình hình không còn quá căng thẳng, mình vẫn đưa đón con đi học, đi chợ, nấu cơm cho gia đình, cũng tranh thủ chăm sóc bản thân.
PV: Dường như các thành viên trong gia đình luôn là bến đỗ bình yên của chị?
TS Hoàng Vũ Mai Phương: Các thành viên trong gia đình nhỏ chúng tôi cũng đã quen và hiểu công việc của mẹ rồi nên rất cảm thông với mẹ. Có lần mình nghe các con khoe với bạn là hôm nay mẹ mình xét nghiệm “con” virus nguy hiểm đấy. Sau thời gian mẹ bận chống dịch, mình thấy con cũng trưởng thành hơn. Hiện nay con trai lớn cũng đang theo học về y sinh. Nếu con quyết định theo con đường nghiên cứu về virus như mẹ thì mình cũng khuyến khích. Tất nhiên là tùy lựa chọn của bạn ấy thôi.
Xin cám ơn TS Hoàng Vũ Mai Phương!
“Điều phi thường của yêu thương” là chương trình do Công ty PNJ khởi xướng, bằng tất cả sự trân quý và ngưỡng mộ chân thành dành cho những người phụ nữ nhân dịp 8.3 năm nay. Bởi PNJ tin rằng, chính tình yêu và sự hy sinh phi thường của họ là những điều kỳ diệu nhất tạo nên một thế giới của đong đầy yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.