​'Điệu tango' của Malaysia trên Biển Đông

31/03/2016 09:04 GMT+7

Giới quan sát nhận định Malaysia đang tiến lùi như nhảy tango nhằm tránh căng thẳng trước vụ khoảng 100 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này.

Giới quan sát nhận định Malaysia đang tiến lùi như nhảy tango nhằm tránh căng thẳng trước vụ khoảng 100 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này.

Ảnh tàu cá Trung Quốc hiện diện trong vùng biển Malaysia - Ảnh: MMEAẢnh tàu cá Trung Quốc hiện diện trong vùng biển Malaysia - Ảnh: MMEA
Thông tin khoảng 100 tàu cá Trung Quốc được tháp tùng bởi 2 tàu hải cảnh hiện diện trong vùng nam Biển Đông, cách bờ biển phía tây bang Sarawak của Malaysia chừng 80 hải lý, được Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Shahidan Kassim tiết lộ với báo chí bên hành lang quốc hội cuối ngày 24.3.
Vị bộ trưởng đặc trách an ninh và giám sát Cơ quan Thực thi luật biển Malaysia (MMEA) cho hay 3 tàu MMEA đã được triển khai tới hiện trường trong khi hải quân cũng đã đến đó.
Ông Shahidan còn tuyên bố Malaysia sẽ có “hành động pháp lý thích hợp” nếu tàu Trung Quốc bị phát hiện đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Tuy nhiên, đến ngày 28.3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố với báo chí rằng tư lệnh hải quân khẳng định với ông là “không có tàu Trung Quốc nào xâm nhập cả”.
“Tôi thấy nhẹ cả người khi vị tư lệnh khẳng định vùng biển của chúng ta vẫn an toàn”, Bộ trưởng Hishammuddin nói. Trước đó một ngày, chính ông Hishammuddin tỏ ra hết sức dè dặt khi phát biểu rằng kể cả tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của Malaysia thì vấn đề cũng chỉ nên được “giải quyết song phương”.
Thấy và không thấy
Phát biểu của ông Hishammuddin, theo nhận định của giới quan sát, là tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Kuala Lumpur. Đặc biệt, thông tin của người đứng đầu ngành quốc phòng trái ngược với thông tin của cơ quan thực thi luật biển về sự hiện diện của tàu Trung Quốc đã gây nghi ngờ trong mọi giới.
Càng bất ngờ hơn, trong cuộc họp báo ngày 29.3, Giám đốc MMEA Ahmad Puzi Ab Kahar tiếp tục khẳng định đội tàu Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Sarawak ngày 24.3 và rời đi về hướng tây hôm 27.3 sau khi bị phát hiện.
Ông Puzi cũng cho biết ngoài 2 tàu hải cảnh dễ dàng được nhận diện, những tàu Trung Quốc khác không mang cờ hay số hiệu và “nằm im” không thu phát tín hiệu trong những ngày ở vùng biển Malaysia. Một số tàu bị máy bay do thám phát hiện đánh cá trái phép.
“Đến 100 con tàu thì chúng tôi không thể coi đó là bình thường. Chưa có tiền lệ. Vì vậy, chúng tôi đã hết sức thận trọng”, ông Puzi cho biết.
Ông cũng giải thích sở dĩ hải quân Malaysia “không thấy” đội tàu Trung Quốc là vì họ đến nơi khi chúng đã rời đi. Mặt khác, “radar hải quân chỉ phủ sóng trong bán kính 30 hải lý, còn tầm kiểm soát của MMEA và phi cơ do thám của không quân đến 1.931 km2”, ông cho biết thêm.
“Nhảy Tango”
Trao đổi với Thanh Niên, một phóng viên của chuyên san quân sự IHS Jane's nhận định “thông tin của MMEA đáng tin cậy” vì họ có đủ thiết bị tuần thám. Còn hải quân có thể thật sự không nhìn thấy tàu Trung Quốc vì chúng đã rời đi.
Tương tự, tiến sĩ Oh Ei Sun, cố vấn không chính thức cho Thủ tướng Malaysia Najib Razak về các vấn đề Trung Quốc nói: “Cả MMEA và hải quân đều đúng trong phạm vi của họ”.
Ông Oh cũng lưu ý “sự cẩn thận” trong thông tin mà các cơ quan chức năng Malaysia đưa ra: “Chẳng hạn một bên nói họ tuần tra chừng này cây số vuông và thấy tàu Trung Quốc; bên kia phủ nhận vì... chỉ tuần tra chừng này hải lý và chẳng thấy gì”.
Rõ ràng MMEA muốn đưa ra thông điệp là “Chúng tôi đang phủ sóng theo dõi và không để các con tàu lượn đi một cách dễ dàng. Đây là vùng biển của chúng tôi”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng tỏ thái độ xoa dịu. Đặc biệt, phát ngôn “các con tàu Trung Quốc không ở trong vùng biển quốc gia của chúng ta” của Bộ trưởng Hishammuddin, theo ông Oh, là hết sức “tinh vi”.
Khái niệm “vùng biển quốc gia” nghe có vẻ rất hợp lý để nói về chủ quyền, nhưng phát biểu của ông Hishammuddin có thể hàm ý là “lãnh hải” với phạm vi chỉ 12 hải lý tính từ bờ biển so với EEZ rộng 200 hải lý mà MMEA đề cập.
“Tôi nhận thấy tuyên bố của các cơ quan Malaysia thật ra là một sự giải thích có phối hợp, chúng gợi ý một số thứ mà không bộc lộ thẳng”, tiến sĩ Oh nhận xét và gọi đây là cách tiếp cận “tiến một bước lùi một bước như nhảy tango”. Ông cũng nhấn mạnh lập trường “tránh đối đầu” với Trung Quốc của Malaysia sẽ không thay đổi vì những vụ việc như trên.
Chiến tranh trên Biển Đông là vô ích
Tại Hội thảo Báo chí và Xuất bản châu Á 2016 diễn ra ngày 30.3 ở Manila, Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trực tiếp trả lời câu hỏi của Thanh Niên về vấn đề Biển Đông.
Ông khẳng định Philippines hết sức quan ngại các hành động xây dựng và bố trí trang thiết bị quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo ông, cùng với yêu sách đường lưỡi bò phi pháp, các hành động của Trung Quốc đã gây ra mất cân bằng ở khu vực. Theo Tổng thống Aquino III, vấn đề Biển Đông tác động trực tiếp đến sự phát triển của Philippines và nước này đang đầu tư nhiều nguồn lực hơn để tìm kiếm giải pháp.
Theo truyền thông Philippines, Tổng thống Aquino III ngày 30.3 cho biết nước này đang xem xét xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên của mình để phục vụ nhu cầu an ninh trong tình hình mới. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định với Thanh Niên quan điểm của Manila là không theo đuổi tăng cường quân sự hay chạy đua vũ trang mà tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế. “Tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền cũng như các quốc gia khác đều nhận thức được rằng chiến tranh là vô ích. Không ai đạt được gì, thậm chí trên thực tế cả thế giới sẽ mất mát nếu có chiến tranh”, ông nói.
Phan Công - Ngọc Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.