Điều tiết địa tô chênh lệch, giảm thiểu mâu thuẫn đất đai: Cần cơ chế minh bạch

15/05/2023 08:08 GMT+7

Cần có cách nào đó để chia lại địa tô chênh lệch một cách công bằng là điều không chỉ riêng TS Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nói những xung đột đất đai ở VN đã được nhìn thấy từ lâu và đây cũng là lý do khiến luật Đất đai là luật được sửa nhiều nhất. Sửa luật thực chất là nhà nước đang tìm cách giải quyết xung đột.

Cần cơ chế minh bạch - Ảnh 1.

Cần có cơ chế để phân phối, điều tiết địa tô chênh lệch cho người dân bị thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích

LÊ QUÂN

Trong 37 năm đổi mới kể từ 1986, VN đã có 4 đạo luật Đất đai (chưa kể những lần sửa đổi, bổ sung) và đang sửa soạn cho đạo luật Đất đai thứ 5 dự kiến được thông qua trong năm 2023 này. Đạo luật Đất đai nào khi sửa đổi cũng được kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai để trở thành nội lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, cho đến tận Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đặt câu hỏi: Vì sao điều này chưa thực hiện được?

Luật Đất đai hiện hành (năm 2013, sửa đổi năm 2018), tại điều 19 quy định: "Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi". Phần giá trị tăng thêm nói trên chính là khái niệm pháp lý của chênh lệch địa tô, và nhà nước được giao quyền điều tiết. Điều này cũng đang được kế thừa trong dự thảo luật Đất đai đang trình Quốc hội sửa đổi.

Theo Hiến pháp, đất đai là sở hữu toàn dân thì sửa luật Đất đai lần này có thu phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy trong luật.


Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Cơ chế không phải là không có, song việc triển khai các chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất, thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt chính sách bồi thường, hỗ trợ lại không hiệu quả và nhiều lỗ hổng dẫn tới tham nhũng, tiêu cực, bức xúc và mâu thuẫn. Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý luật Đất đai sửa đổi đầu tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu kiến nghị cần có quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm này một cách công bằng, minh bạch. "Theo Hiến pháp, đất đai là sở hữu toàn dân thì sửa luật Đất đai lần này có thu phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy trong luật", đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội. Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra luật Đất đai mới nhất, lần đầu tiên cũng đã nhắc đến điều này.

TS Trần Đình Thiên nói việc sửa luật Đất đai dù tiến hành nhiều lần, song không tiếp cận theo nguyên tắc thị trường nên không thể đi vào vấn đề căn bản nhất. "Ta cứ rìa rìa, cơi nới, chỉnh sửa cái này, cái kia, thành ra không giải quyết được những xung đột lớn", ông Thiên nói. Đất nước đã đổi mới gần 40 năm, song đất đai với tư cách là nguồn lực quan trọng nhất lại đang giữ nguyên "chiếc lồng cơ chế" thời kỳ bao cấp, kế hoạch hóa, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tới tài chính đất đai. Theo ông Thiên, với tư cách là nguồn lực, là tài sản, đất đai phải được định giá rõ ràng, tuân theo nguyên tắc thị trường. Khi đó, xung đột sẽ được giải quyết, nguồn lực đất đai sẽ thành động lực cho phát triển KT-XH.

Như vấn đề thu hồi đất, ông Trần Đình Thiên nói, dễ gây xung đột vì ta coi người dân phải giao đất cho nhà nước vì các mục tiêu cao cả như quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. "Tức là ta hạ thấp vị thế của người dân bị thu hồi đất. Như thế không được. Người ta nhường đất, hy sinh cá nhân cho lợi ích công cộng thì phải được trả giá cao, thỏa đáng, nhà nước phải mua giá cao. Thậm chí đáng ra phải được hưởng chênh lệch địa tô. Ta bao giờ cũng muốn trả cho dân thấp xuống, nên xung đột tăng lên", ông Thiên nói, và cho rằng đã đến lúc thay việc thu hồi đất bằng trưng mua và có thưởng theo nguyên tắc nhà nước đứng ra điều tiết phần chênh lệch.

Thực tế, dù thu hồi hay trưng mua thì bản chất là việc định giá đất cho người dân có thỏa đáng hay không. Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII năm 2022 đã yêu cầu bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Điều này không mới và đã được nhắc tới nhiều lần trước đây. Song cho tới những dự thảo mới nhất của luật Đất đai sửa đổi, giá đất thị trường là giá nào và làm thế nào để xác định giá đất thị trường vẫn là những câu hỏi chưa thể minh định câu trả lời. (còn tiếp)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.