Điều tra nhiều sai phạm nghiêm trọng tại IPC: Những phi vụ 'ném tiền qua cửa sổ'

04/12/2018 05:51 GMT+7

Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có tiềm lực lớn với vốn điều lệ 2.900 tỉ đồng, được giao nhiều đất đai, dự án đầu tư quy mô, nhưng lại sa lầy vì những 'phi vụ' ném tiền qua cửa sổ...

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2015 ông Tề Trí Dũng khi đó 34 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IPC.
Từ thời điểm đó cho đến khoảng tháng 8.2018, tại IPC và các công ty con liên doanh, liên kết xảy ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng do những quyết sách lạ kỳ về quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán, đầu tư và chuyển nhượng dự án.
“Cất kho” hàng trăm tỉ lợi nhuận, đi vay ngân hàng để nộp ngân sách ?!
Là doanh nghiệp (DN) nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, theo quy định của luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, lợi nhuận sau thuế còn lại (sau khi trích lập các quỹ theo quy định) IPC phải nộp về ngân sách nhà nước, không được sử dụng để tăng vốn điều lệ. Nhưng quy định này đã bị “vô hiệu hóa” tại IPC. 
Cụ thể, khoản lợi nhuận sau phân phối các năm trước còn lại tại thời điểm cuối năm 2017 có căn cứ để xác định lên đến hơn 684 tỉ đồng được IPC đem “cất kho”. Khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc và phát hiện, IPC viện lý do “xin giữ lại để tăng vốn điều lệ của công ty”.
 
Trong 2 năm 2016 và 2017, mặc dù IPC có sẵn hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận nhưng lại chủ động ký hợp đồng vay vốn với 4 chi nhánh ngân hàng thương mại; tổng tiền vay 400 tỉ đồng, lãi suất từ 5,2 - 6,2%, mục đích vay “để nộp lợi nhuận vào ngân sách nhà nước”, và “tạo quan hệ tín dụng lần đầu”
 
 
Đáng chú ý, trong 2 năm 2016 và 2017, mặc dù IPC có sẵn hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận như trên nhưng lại chủ động ký hợp đồng vay vốn với 4 chi nhánh ngân hàng thương mại; tổng tiền vay 400 tỉ đồng, lãi suất từ 5,2 - 6,2%, mục đích vay “để nộp lợi nhuận vào ngân sách nhà nước”, và “tạo quan hệ tín dụng lần đầu”.
Với kiểu quản lý tài chính “ngược đời” này, Thanh tra TP khẳng định IPC vi phạm quy định pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, nhiều công ty liên doanh, liên kết mà IPC có vai trò chi phối do sở hữu vốn điều lệ lớn, trong nhiều năm liên tục “đẻ trứng vàng” với hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận cho IPC, đến giai đoạn 2016 - 2017 khi ông Dũng làm tổng giám đốc đã làm trái chủ trương của UBND TP và bằng nhiều “chiêu thức” khác nhau “phù phép” để chủ động giảm tỷ lệ sở hữu vốn, cho tư nhân vào “thao túng”.
Sự lũng đoạn này, bước đầu được xác định, không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng giá trị vốn nhà nước trong định giá bán cổ phần trái quy định, mà còn làm tụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Minh chứng là lợi nhuận thực hiện năm 2016 hơn 804 tỉ đồng, nhưng qua năm 2017 còn khoảng 650 tỉ đồng.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hiệp Phước 1 được giao cho IPC làm chủ đầu tư nhưng để xảy ra sai phạm
Chuyển nhượng trái phép đất kinh doanh
Đi nước ngoài tùy tiện
Theo kết luận thanh tra, số tiền có nguồn gốc vốn ngân sách mà IPC đã chi cho lãnh đạo IPC đi nước ngoài, lên đến hàng tỉ đồng. Theo thống kê, trong năm 2016, ông Tề Trí Dũng đi nước ngoài 46 ngày và tăng lên 60 ngày trong năm 2017, trong đó có chuyến đi châu Âu kéo dài 18 ngày. Hàng loạt cá nhân lãnh đạo khác từ cấp phòng đến Ban tổng giám đốc cũng đi nước ngoài nhiều lần, mỗi lần kéo dài nhiều ngày với số ngày cao nhất lên đến 65 ngày/người/năm; có lãnh đạo, số ngày nghỉ phép đi nước ngoài về việc riêng (đã trừ các ngày nghỉ theo quy định) lên đến 49 ngày…
Thanh tra TP khẳng định số ngày đi nước ngoài của người quản lý ở IPC rất nhiều, chiếm tỷ lệ lớn trong số ngày làm việc của năm. Hơn nữa, việc đi nước ngoài còn kéo dài thời gian, không báo cáo và không được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa thể hiện được kết quả đạt được cho hoạt động của IPC từ các chuyến đi công tác nước ngoài, gây lãng phí tiền của nhà nước…
Trong những năm qua, IPC được giao thực hiện hàng loạt dự án đầu tư quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển của TP về nhiều lĩnh vực, với quy mô đất đai và vốn đầu tư lớn, nhưng khi Thanh tra TP vào cuộc thì “đụng đâu sai đó”.
Điển hình là dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Theo quyết định phê duyệt số 785 của Sở GTVT, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện và hoàn thành trong 2 năm (2017 - 2018) để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng đến nay, dự án chỉ mới ở giai đoạn... đấu thầu chọn đơn vị tư vấn. Không những thế, trong quá trình thực hiện dự án, IPC bị xác định làm sai quy định pháp luật, không đúng chuẩn mực kế toán, đi ngược chủ trương của UBND TP.
Cụ thể, theo chủ trương của TP, nguồn vốn thực hiện dự án là vốn ngân sách, không thanh toán lãi vay, nhưng IPC hạch toán khoản tiền lãi vay, dự kiến phát sinh hơn 24 tỉ đồng chi phí lãi vay trong năm 2018. Thanh tra TP khẳng định việc hạch toán này làm tăng chi phí dự án đầu tư, giảm lợi nhuận mà IPC phải có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước.
Việc kinh doanh bất động sản của IPC cũng xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Điển hình là góp vốn hơn 473 tỉ đồng vào Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết với IPC) thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM). Ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng (vào năm 2016); ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC, ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích chuyển nhượng gần 25.000 m2, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu đồng/m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng, mà không thông qua đấu giá theo quy định.
Tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hiệp Phước 1 (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM), IPC được giao làm chủ đầu tư với số vốn hơn 4.200 tỉ đồng; mục tiêu được duyệt là xây dựng nhà ở phục vụ chương trình tái định cư, nhưng IPC lại bàn giao đất nền. Tại dự án khu dân cư Long Hậu (Long An) với quy mô diện tích 20 ha, IPC thỏa thuận hợp tác với Công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh “trái quy định pháp luật”.
Theo nội dung hợp đồng hợp tác thì Công ty Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường, chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách; Công ty Hồng Lĩnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng dự án, được quản lý và chuyển nhượng các sản phẩm của dự án; IPC được mua nền phục vụ tái định cư, phần diện tích còn lại Công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh.
Thanh tra TP.HCM xác định việc hợp tác này thực chất là chuyển nhượng dự án “trái quy định pháp luật”, vì không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; việc hợp tác gây thiệt hại vốn nhà nước, vì IPC là chủ đầu tư nhưng phải mua lại nền đất từ Công ty Hồng Lĩnh trên chính khu đất IPC làm chủ đầu tư thực hiện dự án…
Tổng giám đốc IPC tự nhận kỷ luật “khiển trách”
Ngày 3.12, nguồn tin PV Thanh Niên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Sở Nội vụ đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý của lãnh đạo IPC do gây ra các sai phạm, thiếu sót. Ông Tề Trí Dũng - người điều hành quản lý, trực tiếp ký nhiều hợp đồng kinh tế vi phạm quy định pháp luật - tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách; các cá nhân lãnh đạo khác có liên quan đến sai phạm tại IPC cũng tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Trước việc các lãnh đạo IPC “đồng loạt tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách”, Sở Nội vụ không chấp nhận, yêu cầu phải nghiêm túc tự rà soát lại mức độ sai phạm và tự đề xuất hình thức kỷ luật tương ứng, phù hợp.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý của lãnh đạo IPC thời kỳ phát sinh vụ việc, là theo phân cấp quản lý cán bộ về mặt chính quyền. Về mặt Đảng, Chủ tịch UBND TP cũng đã đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy các khu chế xuất và công nghiệp TP chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng, cấp ủy viên, đảng viên thuộc Đảng bộ IPC và xử lý trách nhiệm tổ chức Đảng, đảng viên theo quy định của Đảng đối với các sai phạm.
Hiện Thanh tra TP tiếp tục thanh tra làm rõ một số vụ việc tại IPC. Ông Tề Trí Dũng đã bị tạm đình chỉ công tác vì “gây trở ngại cho công tác thanh tra”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.