|
Môi giới người bán - người mua
Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 7.8, tại một quán cà phê ở KP.Đông, P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An) xảy ra vụ cãi vã đòi lại số tiền 20 triệu đồng do giao dịch mua trứng phụ nữ bất thành giữa Thảo và chị N.T.D.M (18 tuổi, quê Hậu Giang, tạm trú Bình Dương). Khi Công an TX.Thuận An có mặt giải quyết thì bị Thảo chửi bới, chống đối.
Tại trụ sở công an, chị M. khai nhận, trước đó qua mối quan hệ quen biết, Thảo đề nghị M. bán trứng cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở TP.HCM. M. đồng ý và nhận số tiền 20 triệu đồng từ Thảo. Tuy nhiên, khi nghe quy trình muốn lấy trứng thì phải đến bệnh viện tiêm thuốc kích thích cho rụng trứng nên M. đổi ý vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày 7.8, M. gặp Thảo để trả lại tiền nhưng Thảo vẫn cố gắng thuyết phục để bán trứng. Do không thuyết phục được M., nên đã xảy ra cãi vã.
Theo điều tra của công an, Thảo đã từng thực hiện hàng chục vụ môi giới mua bán trứng phụ nữ trong một thời gian dài. Mỗi vụ mua bán thành công, Thảo nhận được số tiền từ 2 - 3 triệu đồng và có thể nhiều hơn nữa tùy từng điều kiện của người mua.
Chiều 11.8, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết hành vi môi giới, mua bán trứng phụ nữ (tế bào trứng, hay còn gọi là noãn) là vi phạm điều 11 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác năm 2006. "Việc lấy noãn, tinh trùng phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế và hoàn toàn tự nguyện hiến, tặng của các bên", đại diện Sở Y tế Bình Dương nói.
Chưa có ngân hàng trứng
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu chị em phụ nữ cần trứng để điều trị hiếm muộn vô sinh là có thật. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa có ngân hàng trứng giống như ngân hàng tinh trùng (đã được thành lập từ rất lâu). Chị em phụ nữ cần trứng để chữa vô sinh thì tự họ liên lạc tìm người cho trứng, và phần lớn nguồn trứng cho là từ chị, em gái trong gia đình, dòng họ, người thân quen. Cũng có những trường hợp không có người thân, hoặc người thân không đủ điều kiện cho trứng, buộc bệnh nhân phải tìm nguồn trứng từ bên ngoài, và trong quá trình tìm kiếm có thể họ sẽ gặp một số trường hợp “cò” bán trứng. Cũng có một số chị em không tìm được nguồn trứng đành chịu”.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM cũng cho biết: “Bệnh nhân điều trị hiếm muộn, vô sinh nếu cần đến trứng thì tự tìm. Có những trường hợp làm một số thủ tục, hồ sơ điều trị vô sinh rồi nhưng sau đó không tìm được người cho trứng. Do vậy, nếu có ngân hàng trứng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh khi họ cần đến trứng”.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, về quy định, người cho trứng không quá 35 tuổi (nhằm đảm bảo trứng tốt, khỏe), không có bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh truyền nhiễm, có sức khỏe tốt... Việc lấy trứng phải vào bệnh viện hoặc các trung tâm có chuyên khoa điều trị hiếm muộn vô sinh để làm các thủ tục, và thủ thuật đúng quy định, quy trình, trong đó có việc hai bên làm cam kết việc cho - nhận trên tinh thần tự nguyện, không mua bán. Các phòng mạch, ngay cả phòng mạch của bác sĩ sản phụ khoa, cũng không được lấy trứng. Hai người cho và nhận trứng được phép biết nhau (khác với cho tinh trùng, người cho và nhận quy định không được biết nhau). |
Đỗ Trường - Thanh Tùng
Bình luận (0)