Điều trị đích trong ung thư và cơ hội mới cho người bệnh

21/12/2022 08:00 GMT+7

Đa số người bệnh ung thư tại Việt Nam đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Kéo theo đó là chi phí rất cao, điều trị phức tạp và tiên lượng xấu. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã cập nhật các phương pháp điều trị mới như điều trị đích, mang lại hy vọng mới cho người bệnh.

Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư là chủ đề được các chuyên gia hàng đầu tại phía Nam sôi nổi bàn luận trong Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Hoàn Mỹ ngày 8 và 9.12 vừa qua. Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Đổi mới y khoa trong thế giới thay đổi” trong bối cảnh lĩnh vực y tế có biến động sau gần ba năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Áp lực ung thư sau 3 năm Covid-19

Năm 2022, một nghiên cứu ước tính có khoảng 1 triệu ca ung thư chẩn đoán bị bỏ sót trong đại dịch Covid-19 tại Châu Âu. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn cũng cao hơn, khoảng 100 triệu cuộc kiểm tra sức khỏe đã bị bỏ lỡ.

Tại Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới đã tăng lên 9 bậc ở vị trí 90/185 quốc gia, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc lên thứ 50/185 quốc gia so với năm 2018.

Đa số người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn khiến cho việc điều trị khó khăn, chi phí cao, tiên lượng xấu.

Bất chấp cản trở do đại dịch, các nghiên cứu về ung thư vẫn không ngừng được triển khai. Trong bài báo cáo “Điều trị đích trong ung thư - cập nhật các tiến bộ mới”, tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, trước đây, tỷ lệ sống còn của người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 3,4 dao động trong 10-12 tháng. Liệu pháp nhắm trúng đích và ức chế điểm kiểm miễn dịch đã cải thiện tỷ lệ sống còn ở nhóm này với tỷ lệ sống còn 5 năm, dao động từ 15-50%.

Ứng dụng kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch trước đây chỉ sử dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 nay được áp dụng từ giai đoạn 3. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc ngay sau phẫu thuật, nâng thời gian sống 5 năm của bệnh nhân lên 95%.

“Con số này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về điều trị ung thư phổi”, tiến sĩ Tuấn Anh nói.

Bước tiến y khoa đem lại cơ hội sống cho người bệnh

Ông Dilshaad Ali Bin Abas Ali, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ chia sẻ, đại dịch Covid-19 để lại tác động lâu dài lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Các bệnh không lây nhiễm tiếp tục gia tăng, dự đoán chiếm 75% tổng số ca tử vong vào năm 2030 (so với 63% vào năm 2013).

Dưới tác động của Covid-19, lĩnh vực y khoa của thế giới có nhiều thay đổi, biến động. Do đó, ngành y tế Việt Nam năm 2022 cũng cần phát triển dựa trên sự bền vững, số hóa, trí tuệ nhân tạo…

“Cập nhật liên tục những kiến thức mới để theo kịp các đồng nghiệp quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Với vai trò là tập đoàn y tế tư nhân hàng đầu, có 25 năm hình thành và phát triển, chúng tôi luôn đề cao hoạt động nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ y khoa vào hoạt động thực tiễn. Điều này sẽ giúp Hoàn Mỹ trở thành hình mẫu lâm sàng xuất sắc trong lĩnh vực y khoa,” ông Dilshaad nhấn mạnh.

Thăm khám định kỳ giúp phát hiện ung thư sớm, nâng cao hiệu quả điều trị. Hình minh họa: Thăm khám tại Phòng khám quốc tế Hoàn Mỹ

Với tinh thần trên, gần 500 chuyên gia y tế, các nhà khoa học đã tập trung và thảo luận sôi nổi về những tiến bộ trong điều trị bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ung thư.

Tại đây, bác sĩ CKII. Nguyễn Trần Anh Thư, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ về nghiên cứu trên 30 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa với hơn 90% bệnh nhân ở giai đoạn 4.

Kết quả ghi nhận đã có sự cải thiện tỷ lệ đáp ứng và thời gian sống còn cho người bệnh sau thời gian điều trị trung bình 10,8 tháng với thuốc nhắm trúng đích thế hệ 1,2.

Liệu pháp nhắm trúng đích được đánh giá đã mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của y học hạt nhân.

Bác sĩ CKII. Huỳnh Thị Chiêu Anh, Phó giám đốc chuyên môn, Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn dẫn chứng, sàng lọc ung thư phổi bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính liều thấp hiện khá phổ biến trên thế giới.

Hoàn Mỹ đầu tư hệ thống xét nghiệm hiện đại phục vụ cho công tác chẩn đoán chữa bệnh, trong đó có ung thư. Ảnh minh họa.

Kỹ thuật này sử dụng liều phóng xạ thấp hơn so với liều chụp cắt lớp vi tính thường quy, dành cho những bệnh nhân tuổi cao và hút thuốc nhiều hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Người bệnh có thể được phát hiện các nốt mờ nhỏ mà X quang bình thường sẽ không hoặc khó xác định, nhằm chẩn đoán ung thư phổi.

Việc đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục đặc biệt quan trọng với mạng lưới chăm sóc sức khỏe với gần 3.000 giường bệnh hoạt động trên 15 bệnh viện và 7 phòng khám thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ.

Tại hội nghị, Bác sĩ Amy C. Hay Vp, phụ trách nghiên cứu giải pháp ung bướu của Công ty Siemens Healthineers nhận định, Hoàn Mỹ đã xây dựng kế hoạch phát triển chương trình ung thư và tầm nhìn tương lai của tập đoàn, thúc đẩy sáng tạo dịch vụ y tế trên nền tảng công nghệ digital health, telehealth và AI.

Trong đó, hướng đến xây dựng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay trong nước, thay vì để người dân phải chi hàng tỉ USD mỗi năm đến quốc gia khác du lịch y tế. Ngoài ra, còn đa dạng hóa các hình thức chăm sóc như tại bệnh viện, phòng khám, kênh tư vấn trực tuyến, chăm sóc tại nhà… cho nhu cầu đa dạng của người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.