Đến thời điểm hiện tại, hậu Covid-19 vẫn chưa được y học lý giải hết được. Việc điều trị hậu Covid-19 hiện đa số tập trung vào những triệu chứng bệnh nhân mắc phải qua khám lâm sàng cũng như cận lâm sàng gồm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khi cần thiết.
Một trong những di chứng đáng quan tâm nhất của hậu Covid-19 đó là rối loạn đông máu (RLĐM), gây tăng đông máu dẫn đến tắc mạch máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Còn lại, phần đông là hụt hơi, khó thở, stress… Bên cạnh đó còn là vấn đề tâm lý hậu Covid-19.
Câu hỏi đặt ra là điều trị các chứng bệnh này có khó không? Theo các chuyên gia, đi khám đúng nơi, điều trị đúng bệnh và tuân thủ điều trị là vượt qua hậu Covid-19 nhanh chóng.
Nguy hiểm vì ở nhà tự "đánh gió"
Ngày 10.3, nữ bệnh nhân (BN) N.T.P.T (25 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) đến phòng khám số 14 - Phòng khám hậu Covid-19 Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM trong trạng thái mệt mỏi. Sau khi chỉ định xét nghiệm và xem kết quả, bác sĩ (BS) khá bất ngờ với chỉ số RLĐM của nữ BN trẻ từ hơn 900 tăng lên 4.800 (ngưỡng cho phép là dưới 500) sau 2 tuần. Trong khi đợt khám 2 tuần trước BS cho thuốc trị RLĐM. Điều gì đã khiến nữ BN trẻ, hậu Covid-19 tháng thứ 6 mà chỉ số RLĐM cao như vậy? Nhìn lên khuôn mặt và cổ nữ BN, BS Nguyễn Thế Hân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu BV Thống Nhất, phát hiện nhiều nơi “đánh gió” bầm tím. BS lý giải đây là nguyên nhân khiến yếu tố RLĐM tăng, nếu BN đến BV trễ và cứ ở nhà đánh gió sẽ rất nguy hiểm. Sau khi chỉ định thuốc điều trị RLĐM, BS dặn BN tắm nước ấm, ăn uống đồ ấm, đặc biệt không đánh gió. BS khuyến cáo nữ BN xin chuyển ca làm việc từ đêm sang ngày để có thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe.
Bệnh nhân đến phòng khám di chứng Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) |
Khánh Trần |
Ông T.Q.V (54 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) mắc Covid-19 đã 2 tháng. Ngày 10.3 ông đến BV Thống Nhất khám hậu Covid-19. Kết quả xét nghiệm khẳng định ông bị RLĐM, BS Nguyễn Thế Hân giải thích cho ông hiểu RLĐN sẽ làm cho máu không lưu thông tốt, khiến ô xy chuyển tải không được dẫn đến nguy cơ tắc các mạch máu, nên cần uống thuốc điều trị. Ông T. tỏ ra lo lắng, tuy nhiên BS trấn an ông là về uống thuốc đúng giờ giấc, khoảng 5 ngày thì người sẽ khỏe lại, các bệnh khác đang mắc vẫn uống thuốc bình thường. BS cũng hướng dẫn ông T. điều chỉnh sinh hoạt để tránh bị tình trạng nặng RLĐM.
Trước đó, ông N.B.T (60 tuổi, ngụ Q.Gò vấp) nhập viện cấp cứu BV Nhân dân Gia Định với triệu chứng đau ngực khó thở và được BS khoa nội tim mạch chẩn đoán thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong nhĩ phải, hậu Covid-19. Các BS phải khẩn trương vừa gây mê hồi sức để phẫu thuật lấy huyết khối lấp đầy hai động mạch phổi trái, phải và các nhánh, đồng thời kiểm tra huyết khối trong các buồng tim. Các huyết khối này đã lấp và ngăn không cho dòng máu đến phổi để trao đổi ô xy gây nên tình trạng thiếu ô xy máu trầm trọng và suy tim cấp ngay sau đó dẫn đến trụy tim mạch, nguy cơ tử vong nhanh. Ca phẫu thuật đã cứu sống BN hậu Covid-19 và RLĐM tại BV Nhân dân Gia định không phải là trường hợp hiếm. BV TP.Thủ Đức cũng từng cứu sống rất nhiều ca nhồi máu cơ tim cấp hậu Covid-19. BV Thống Nhất từng phẫu thuật cho BN RLĐM ngay trong thời gian mắc Covid-19...
Hụt hơi, khó thở hậu Covid-19 điều trị ra sao ?
Hụt hơi, khó thở là triệu chứng chiếm nhiều nhất của hậu Covid-19. Theo BS Nguyễn Thanh Sang, Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), hậu Covid-19 có 80% người bị mệt mỏi, hụt hơi nhiều, nhưng nếu chỉ điều trị bằng thuốc thì sẽ không khỏi. Điều trị hậu Covid-19 các triệu chứng này không khó, nhưng phải thực hiện theo đúng hướng dẫn nhà chuyên môn về vật lý trị liệu hô hấp, theo dõi SpO2, huyết áp. Đó là bài tập gắng sức để nở thể tích lồng ngực, các cơ hô hấp phụ. Có những người chỉ đến vật lý trị liệu 1 lần rồi về nhà tập, nhưng sau đó không khỏi do không tập đúng. “Mỗi lần tập tại BV là 1 tiếng đồng hồ và chỉ tốn 40.000 đồng, đó là vật lý trị liệu dịch vụ. Còn nếu tập vật lý trị liệu theo diện BHYT thì chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/lần. Ngày đầu tập tại BV sẽ có hiệu quả liền, và chừng 5 - 7 ngày BN sẽ hết hẳn khó thở, hụt hơi”, BS Sang nói.
Ở khía cạnh điều trị hậu Covid-19 theo y học cổ truyền (YHCT), thạc sĩ, BS Phạm Ngọc Liệp, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết BN đến khám hậu Covid-19 được tư vấn về tâm lý, xét nghiệm, đo điện tim với chụp phổi. Từ kết quả chụp khám của BN, BS sẽ đưa ra chương trình điều trị phù hợp, nhắc nhở, động viên thêm về tâm lý. Những người tới khám hậu Covid-19 còn được hướng dẫn bài tập thở đơn giản để giảm thiểu các triệu chứng thường gặp như khó thở, hụt hơi, dễ bị cảm, bị rụng tóc hay đau nhức xương khớp.
Trị liệu tâm lý
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học, ĐH Hoa Sen, các triệu chứng hậu Covid-19 là một trong những mối quan tâm ở những người từng mắc Covid-19. Các triệu chứng của hậu Covid-19 rất đa dạng... Có các triệu chứng khá tương đồng với những biểu hiện căng thẳng thông thường như mệt mỏi, nhức đầu, mất tập trung… Các triệu chứng kéo dài và có khác biệt ở từng người. Trong điều kiện các nghiên cứu và hiểu biết về vấn đề này còn hạn chế, khó tránh khỏi việc chúng ta dễ quy một số vấn đề sức khỏe hay đời sống hiện gặp cho hậu Covid-19.
Theo ông Ân, những người từng mắc Covid-19 cũng có thể gặp phải những biểu hiện về lo âu. Ngoài những quan ngại về tài chính, công việc, họ cũng có thể lo lắng về sức khỏe và khả năng hồi phục. Điều này có thể khiến cá nhân tập trung chú ý một cách quá mức vào những thay đổi diễn ra trong cơ thể. Những lo âu này có thể làm tăng mức độ căng thẳng của họ, dễ khiến họ nghĩ mình có những biểu hiện hậu Covid-19.
Gia đình, những người xung quanh lắng nghe, hiểu những khó khăn BN hậu Covid-19 đang trải qua sẽ giúp làm giảm cảm giác cô độc. Các nhóm hỗ trợ hoặc các dịch vụ y tế như tham vấn trị liệu, công tác xã hội, phục hồi chức năng… góp phần nâng đỡ tinh thần cho BN hậu Covid-19.(Còn tiếp)
203 di chứng do Covid-19
Hội nghị khoa học điều trị chứng hậu Covid-19 bằng phương pháp kết hợp YHCT và y học hiện đại lần đầu được Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30.3, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết trong số 203 di chứng do Covid-19 để lại, tình trạng mệt mỏi chiếm hơn 80%, tiếp đến là xơ phổi 61%, hơn 50% số trường hợp gặp vấn đề về trí nhớ, 51% bị đột quỵ, 45% mất ngủ và 33% tổn thương thận cấp.
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, lưu ý tuy tỷ lệ người mắc Covid-19 do biến thể Omicron giảm mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhưng số lượng người mắc cao, trong đó nhiều người gặp tình trạng sau khi khỏi Covid-19 sức khỏe chậm phục hồi. Covid-19 có 3 giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn có thể chuyển biến nặng và giai đoạn hậu Covid-19. Các biện pháp YHCT cần được áp dụng ở giai đoạn bệnh mới khởi phát và giai đoạn hậu Covid-19. Những người bệnh bước sang giai đoạn nặng thì cần phối hợp với y học hiện đại.
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ, thời gian qua, tại Xuân Viên (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Hội Đông y Việt Nam đã thí điểm điều trị bằng YHCT cho 900 BN Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu. Trong đó, BN nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 90 tuổi. Kết quả, không có BN nào bị trở nặng.
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn tạm thời sử dụng YHCT để phòng, chống dịch Covid-19”, cho phép áp dụng các bài thuốc đông y điều trị F0, lựa chọn sử dụng một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng.
Liên Châu
Bình luận (0)