Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone

06/01/2023 04:00 GMT+7

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại VN từ năm 2008 tại Hải Phòng và TP.HCM.

Đến nay có 63/63 tỉnh thành triển khai với gần 600 cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát methadone, đang điều trị cho hơn 51.000 bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, tại VN, đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày (dùng tại nhà) cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện triển khai từ tháng 4.2021 tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng.

Năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng thêm tại 3 tỉnh mới là Nghệ An, Lào Cai và Bắc Giang. Đến tháng 12.2022, tổng số hơn 3.000 bệnh nhân (BN) được nhận thuốc methadone cấp nhiều ngày, trong số hơn 51.000 BN điều trị methadone.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV - Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết trong suốt 2 năm triển khai thí điểm cấp thuốc methadone nhiều ngày chưa phát hiện tình huống ngộ độc thuốc methadone. “Tuy nhiên, BN cần được tư vấn kỹ, cảnh báo nguy cơ khi được mang thuốc về nhà, bảo quản thuốc, và đặc biệt tránh xa tầm tay trẻ em”, bác sĩ Thủy lưu ý.

Cấp thuốc methadone nhiều ngày rất phù hợp với các BN, nhất là những người sống cách xa cơ sở điều trị; ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. BN được cấp thuốc nhiều ngày có công việc làm ổn định, chủ động trong công việc, tuân thủ điều trị tốt hơn vì không phải dành thời gian đến uống thuốc trong giờ hành chính.

Bác sĩ Thủy cũng cho rằng: “Việc cấp thuốc methadone cho người bệnh mang về giúp BN giảm thời gian phải chờ đợi uống thuốc vào đầu giờ sáng hằng ngày tại nơi cấp thuốc, khích lệ động viên BN tuân thủ điều trị tốt hơn”.

Cấp phát thuốc methadone sử dụng tại nhà cho các bệnh nhân đủ điều kiện sẽ thuận lợi hơn trong điều trị

H.Huế

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến cuối năm 2021 cả nước có 205.818 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm thuốc phiện, morphine, heroin vẫn còn cao, chiếm tới gần 40%. Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, song song với các biện pháp giảm cung, giảm nhu cầu sử dụng ma túy, trong nhiều năm qua, VN cũng đã triển khai các biện pháp nhằm giảm tác hại của ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV do sử dụng ma túy.

Các biện pháp can thiệp giảm tác hại hiện đang triển khai là: cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Điều trị methadone hiện là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại VN và trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của một số tỉnh thành, sau 24 tháng sử dụng methadone còn 4% BN tiếp tục sử dụng heroin. Tỷ lệ nhiễm HIV mới trong BN tham gia điều trị là 0,5%. Tỷ lệ BN có các hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% (trước điều trị) xuống 1,34% sau 24 tháng điều trị.

Sau 14 năm triển khai, các báo cáo nghiên cứu cho thấy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu; nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện… Hiện 6 tỉnh thành: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An đang triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày cho BN điều trị methadone đủ điều kiện.

(Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.