Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gặp nhiều ở nam giới sau tuổi 60.
Ảnh: Shutterstock
|
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho thấy trong số bệnh nhân nhập viện, 60 - 70% bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt; tỷ lệ này tăng lên 73% với các trường hợp trên 75 tuổi, chiếm khoảng 50% nam giới sau 50 tuổi.
Can thiệp nút mạch điều trị
Bệnh có biểu hiện tiểu khó, tiểu rắt, đi rất nhiều lần trong ngày, đặc biệt tiểu rắt vào ban đêm gây mất ngủ; gây bí tiểu, suy giảm chức năng tình dục, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống. “Tôi được phát hiện phì đại tuyến tiền liệt hai năm trước, đã điều trị tại địa phương nhưng việc dùng thuốc không đem lại kết quả, bệnh nặng nề hơn. Tôi ngại mổ vì nghe nói bệnh vẫn có thể trở lại sau mổ”, bệnh nhân 69 tuổi (ngụ Hải Phòng, điều trị tại Khoa Ngoại, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho biết.
Một ngày sau khi được can thiệp nút mạch điều trị phì đại tiền liệt tuyến, bệnh nhân này đã có thể xuất viện, tinh thần thoải mái. “Tôi lựa chọn can thiệp nút mạch do biết được phương pháp này rất ít đau, khối phì đại sẽ teo nhỏ dần, và có thể thực hiện được ngay cả khi tuyến tiền liệt phì đại đã lớn với trọng lượng ước gần 100 gr như tình trạng của tôi”, bệnh nhân chia sẻ.
“Tôi lựa chọn điều trị theo phương pháp này bởi được biết sau điều trị sẽ không gặp các biến chứng làm mất chức năng ở nam giới”, một bệnh nhân khác chia sẻ.
Kết quả khả quan
Theo TS-BS Bùi Văn Lệnh, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với thực hiện can thiệp nút mạch điều trị bệnh, bệnh nhân sẽ được chụp hai động mạch chậu trong để lập bản đồ cấp máu cho tuyến tiền liệt. Với bản đồ này, các bác sĩ sẽ lựa chọn chính xác mạch máu cần được nút can thiệp, sau đó kỹ thuật viên sẽ đưa một ống thông đi trong lòng mạch, bơm vật liệu nút mạch vào từng nhánh mạch cấp máu đến tuyến tiền liệt, rồi thực hiện chụp để xác định mạch đã được nút. “Nút mạch nhằm ngăn chặn nguồn máu được đưa đến nuôi dưỡng, khiến khối phì đại bị “bỏ đói” sẽ giảm dần thể tích, teo đét”, TS-BS Lệnh cho biết. “Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao (trên 90%); ít xâm lấn nên thời gian bình phục rất sớm, nằm viện ngắn ngày (1 ngày) so với phẫu thuật thường phải nằm 5 - 7 ngày. Đặc biệt, sau nút mạch, bệnh nhân có thể phục hồi về chức năng tình dục mà không bị một số biến chứng”, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết thêm.
Theo bác sĩ Liên, can thiệp nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt còn cho phép thực hiện ở bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mãn tính kèm theo không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật. Bệnh nhân tái phì đại tuyến tiền liệt sau phẫu thuật có thể thực hiện điều trị bằng nút mạch. Phương pháp này cũng có thể áp dụng với bệnh nhân không có chỉ định mổ, bệnh nhân tuyến tiền liệt phì đại lớn (trên 80 gr).
Các bệnh nhân sẽ được xét nghiệm xác định tình trạng ác tính/lành tính. Trường hợp ác tính thì cần được can thiệp sớm. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ được kiểm tra về tình trạng: đi tiểu nóng, tiểu rắt, đau nhẹ hay tức vùng trực tràng, táo bón... để các bác sĩ tư vấn cách chăm sóc.
Phương pháp nói trên hiện đã được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Hầu hết các ca điều trị cho kết quả tốt.
Bình luận (0)