Điều trị tâm lý như thế nào cho đội bóng Thái Lan?

10/07/2018 06:28 GMT+7

Giới chuyên gia đã đưa ra những hướng dẫn đặc biệt nhằm giúp các cầu thủ Thái Lan không bị tổn thương về mặt tinh thần sau khi ra khỏi hang.

Tính đến nay, đã có 8 thành viên của đội bóng Heo rừng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non, tỉnh Chiang Rai được cứu ra ngoài. Các cầu thủ không chỉ được chăm sóc đặc biệt về mặt sức khỏe thể chất mà còn về mặt tinh thần nhằm tránh những ảnh hưởng tâm lý.
Chuyên gia Ananya Sinrachatanant thuộc đại học Tâm thần học Hoàng gia Thái Lan đã vạch ra những hướng dẫn để điều trị tâm thần cho các cầu thủ nhỏ và huấn luyện viên, theo tờ The Nation ngày 9.7.
Bà Ananya cho rằng đội bóng Heo rừng là nạn nhân của một “thảm họa tự nhiên bất ngờ”, không thể lường trước được nên cần tránh bị trách móc. “Những lời chỉ trích sẽ chỉ gây ra sự mất đoàn kết xã hội”, bà Ananya nói.
Giới truyền thông cần đưa tin đúng sự thật, tránh suy diễn, phỏng đoán theo quan điểm cá nhân, tránh xâm phạm đời tư cá nhân, tránh phóng đại những cảm xúc. Bên cạnh đó, cần để cho các cầu thủ hồi phục thay vì dồn dập phỏng vấn để khai thác lời kể của nạn nhân, khiến gợi lại những ký ức tiêu cực.
Giới phóng viên vây quanh tổng chỉ huy chiến dịch giải cứu Narongsak Osottanakorn Reuters
Gia đình của những người được cứu cũng cần được hỗ trợ về mặt thể chất và tinh thần, đồng thời cần có không gian riêng để gặp gỡ con em sau nhiều ngày.
Những thông tin mà các cầu thủ cung cấp cần được sử dụng như một bài học sinh tồn, tránh những tai nạn tương tự lặp lại. Đồng thời, cộng đồng không nên có thái độ trách móc hoặc đòi hỏi việc các em phải biết ơn vì theo bà Ananya, các em cũng đã cảm thấy có lỗi trong những ngày qua bị kẹt trong hang.
[VIDEO] Kết thúc ngày giải cứu thứ 2, thêm 4 thành viên đội bóng Thái Lan ra khỏi hang
Còn theo tiến sĩ Jennifer Wild thuộc Khoa Tâm lý học thực nghiệm đại học Oxford (Anh) cho rằng các cầu thủ Thái và huấn luyện viên sẽ cảm thấy lo lắng về việc bị kẹt trong không gian hẹp. Do đó, khi họ ra ngoài, các em cần tránh bị đưa vào những căn phòng bị đóng cửa vì sẽ gây ra cảm giác bị mắc kẹt.
Bà Wild cũng phân tích rằng cách giao tiếp của những nhân viên cứu hộ cũng ảnh hưởng đến tâm lý của những người bị mắc kẹt, theo đài ITV News. Nếu các em tin tưởng vào việc được cứu thì sẽ cảm thấy tràn đầy hy vọng và điều này có thể lan tỏa cho những người bạn. Còn nếu được nghe quá nhiều về những nguy cơ thì các em sẽ chịu cảm giác tiêu cực hoặc ít hy vọng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.