Đó là bé trai N.T.B.K (ở Hà Nội), cân nặng lúc chào đời chỉ 600 gr, là trẻ sinh cực non (25 tuần tuổi thai, sinh thường ngày 18.2.2023). Sau sinh, bé suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm, phải thở máy, được chăm sóc và điều trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - BV Phụ sản T.Ư.
Bé được hồi sức tốt sơ sinh ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, nuôi lồng ấp (đảm bảo giữ ấm, ẩm và cách ly môi trường); điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần sớm giờ đầu và áp dụng chiến lược ăn sữa mẹ sớm tăng dần từng ngày.
2 tuần sau sinh, trẻ tăng lên 700 gr. Tuy nhiên, sau đó, trẻ bị viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, là những biến chứng rất thường gặp ở trẻ sinh cực non, cực nhẹ cân. Trẻ được phát hiện có đám ruột viêm cứng chắc, trướng bụng. Các bác sĩ hội chẩn, chẩn đoán bé bị hẹp ruột sau viêm ruột hoại tử, có chỉ định phẫu thuật cắt đoạn hẹp và nối lại. Bé K. được chuyển đến mổ tại BV Hữu nghị Việt Đức.
PGS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi, BV Hữu nghị Việt Đức, cho hay: "Ruột của bé bị teo hẹp, chỉ bằng 1/5 ruột trẻ bình thường. Với những em bé non tháng, nguy cơ hạ thân nhiệt trong mổ rất cao, có thể dẫn đến mất não. Vì vậy, trong mổ, kíp phẫu thuật luôn phải có kế hoạch giữ thân nhiệt cho bé, bảo vệ não để trẻ phát triển bình thường".
Sau mổ, bé được chăm sóc và nuôi dưỡng tiếp tục tại BV Phụ sản T.Ư; cai máy thở sau mổ 6 giờ; ăn hoàn toàn bằng đường tiêu hóa sau mổ 10 ngày. Hiện trẻ đạt 2,2 kg, ăn tốt, bú được mẹ, đã biết mỉm cười tự phát, biết đòi mẹ bế.
Theo BV Phụ sản T.Ư, trẻ sinh cực non có tình trạng tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh lý nặng nề, nguy cơ hạ thân nhiệt (ở sơ sinh, cứ hạ 1 độ C, nguy cơ tử vong tăng lên 25%) khiến trẻ có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, đó là những khó khăn rất lớn trong quá trình điều trị, chăm sóc, phẫu thuật cho bé.
Đây là ca bệnh điều trị lâu nhất tại BV, được các bác sĩ của hai BV phối hợp chăm sóc và phẫu thuật thành công.
Bình luận (0)