(TNO) Sáng 27.3, ba công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM) đã bị điện giật té xỉu khi đình công phản đối chính sách bảo hiểm mới.
Một công nhân bị điện giật đang nằm điều trị trong phòng khám Pouyuen - Ảnh: Trung Hiếu
|
Sự việc trở nên nghiêm trọng khi nhiều công nhân cho rằng bảo vệ Công ty Pouyuen không ngắt đường điện ở cổng ra vào khiến 3 công nhân bị điện giật.
Ba công nhân đã bị điện giật tại cổng xưởng khu C của công ty. Bà P., một công nhân làm việc ở khâu may và chứng kiến vụ việc, cho biết công nhân ở Pouyuen đình công do không đồng ý với quy định bảo hiểm xã hội mới năm 2015.
Quy định trước đây khi công nhân nghỉ việc, một thời gian sau có thể nhận sổ bảo hiểm để lãnh tiền trợ cấp một lần liên quan đến chính sách xã hội. Tuy nhiên, với quy định mới, những công nhân nghỉ việc phải chờ đến tuổi hưu, tức 55 tuổi mới được nhận sổ bảo hiểm.
“Nhiều công nhân cho rằng quy định mới này không hợp lý bởi đa phần công nhân ở quê, chỉ mong muốn làm một thời gian để kiếm tiền làm vốn về quê. Ngoài ra, không phải ai cũng cả đời làm cho Pouyuen và có phải ai cũng chờ đến 55 tuổi mới lãnh được sổ bảo hiểm theo quy định mới đâu”, bà P. nói.
Do bức xúc về chính sách bảo hiểm mới nên trong hai ngày qua, nhiều công nhân đã đình công trong khuôn viên công ty để phản đối. Theo một số công nhân, họ đình công tương đối ôn hòa, không đập phá đồ đạc mà chỉ với mục đích đòi quyền lợi cho mình.
Sự việc trở nên trầm trọng khi vào lúc 9 giờ sáng 27.3, nhiều công nhân của xưởng khu C tham gia đình công. Trước sự việc này, bảo vệ khu C đã tổ chức ngăn chặn không để đình công xảy ra.
Bà H., một công nhân thuộc xưởng khu C kể: “Một số bảo vệ không cho chúng tôi ra vào khuôn viên khu C. Bảo vệ còn nói nếu còn đình công thì họ sẽ ghim dây điện vào rào chắn của cổng”.
Theo bà H., sau tuyên bố đó, khoảng một lúc sau, một số công nhân khi chạm vào rào chắn của cổng khu C bị điện giật té xỉu. Cụ thể có 3 công nhân (2 nam và 1 nữ) bị điện giật ngất xỉu ngay tại chỗ. Sau đó 3 công nhân này được đưa vào cấp cứu tại phòng khám của Công ty Pouyuen.
Nhiều công nhân bức xúc khi thấy công nhân bị điện giật - Ảnh: Trung Hiếu
Cơ quan chức năng phải điều lực lượng xuống bảo vệ - Ảnh: Hương Giang
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, đến 11 giờ trưa nay, vẫn còn nhiều công nhân tập trung trong khuôn viên Pouyuen. Rất đông công an và bảo vệ công ty có mặt ở đó để bảo vệ. Nhiều công nhân tập trung ở trước phòng khám để thăm hỏi 3 người bị nạn và bày tỏ sự bức xúc.
Tại phòng khám Pouyuen lúc 12 giờ, chỉ còn hai công nhân bị điện giật nằm điều trị ở đó. Người bị điện giật nặng nhất đã được chuyển đi bệnh viện khác. An ninh ở phòng khám được siết chặt. Chỉ có người thân của nạn nhân mới được vào thăm.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online qua điện thoại, ông Đặng Văn Nghị, làm ở bộ phận gia công đế khu C và là 1 trong 3 người bị điện giật, cho biết khoảng 9 giờ sáng nay ông tham gia đình công. Tuy nhiên khi đoàn người trở về khu C, bảo vệ không mở cổng cho mọi người vào.
“Chúng tôi đòi vào nhưng bảo vệ nói không được nữa vì đã cài điện ở cổng rồi. Nghe vậy tôi không vào nữa nhưng vô tình đụng vào thanh sắt ở cổng bị điện giật té xỉu”, ông Nghị nói.
Ông Nghị cho biết có 3 người bị điện giật. Hiện ông và một người nữa điều trị ở phòng khám PouYuen, còn một người nữa đưa đi đâu ông không rõ. Dù đã tỉnh nhưng ông Nghị thấy trong người còn choáng.
Ông Nghị làm ở PouYuen được 6 năm. Cũng như đa số công nhân ở đây, bản thân ông cũng không đồng ý với chính sách bảo hiểm mới.
“Nhiều người ở tỉnh lên đây làm kiếm ít vốn về quê sinh sống nên không ai đồng ý với chính sách bảo hiểm không hợp lý đó”, ông Nghị nói.
Hơn 12 giờ, nhiều công nhân ở Pouyuen ra về. Tình hình đình công trở nên lắng dịu. Vụ việc đã báo lên Liên đoàn lao động quận Bình Tân, Bảo hiểm xã hội TP.HCM và cơ quan chức năng TP.HCM.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, một cán bộ của Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết đình công xảy ra khi Công ty Pouyuen tuyên truyền về việc quy định bảo hiểm xã hội mới.
“Về quy định 55 tuổi mới được nhận sổ bảo hiểm gây ra mâu thuẫn cho cả công ty và công nhân. Liên đoàn lao động cũng đau đầu với quy định này vì chưa có hướng xử lý nào phù hợp”, vị cán bộ trên nói.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng): Phải bồi thường thiệt hại
Hành vi giăng điện là hành vi nguy hiểm, pháp luật buộc người thực hiện hành vi phải nhận thức được hành vi của mình là có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác, kể cả anh cẩu thả, hay tự tin vì điều đó không xảy ra thì anh vẫn chịu trách nhiệm. Pháp luật hình sự quy định, cụ thể điều 98 Bộ luật Hình sự, nếu gây hậu quả chết người, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người. Trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bồi thường những thiệt hại khám, điều trị bệnh nếu có. |
Bình luận (0)