Người già ở thôn quê thành nạn nhân
Một ngày gần cuối tháng 10.2023, bà Trần Thị P. (sinh năm 1959), ngụ tại H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0825.431.xxx tự xưng là cán bộ TAND Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội, thông báo bà vi phạm pháp luật, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền cho đối tượng, mọi thông tin về sự việc phải giữ bí mật. Người đàn ông này yêu cầu bà P. trong vòng 1 giờ phải chuyển số tiền 56,795 triệu đồng vào một tài khoản mở tại ngân hàng M. Sự việc được bà P. trình báo Công an xã Cẩm Quan, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Sau khi được lực lượng công an xã tuyên truyền, giải thích đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng, bà P. đã không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
Trước đó, vào ngày 16.10, bà Phạm Thị T. (sinh năm 1950), ngụ tại xã Mai Phụ, H.Lộc Hà (Hà Tĩnh), bị một số đối tượng mạo danh công an gọi điện đe dọa bà có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng cũng yêu cầu bà phải bí mật đi rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng đang gửi, chuyển qua ngân hàng khác để phục vụ công tác điều tra. Lo sợ, bà T. đã đi rút 80 triệu đồng tại ngân hàng về để thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu. May mắn là trên đường về, khi đi qua trụ sở Công an xã Mai Phụ, một cán bộ công an phát hiện thái độ bất thường của bà T. nên đã động viên, giúp đỡ để bà ổn định tinh thần và trình bày rõ sự việc.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng và chi nhánh giao dịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ việc có dấu hiệu lừa đảo thông qua gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội. Trong đó, riêng các phòng giao dịch và chi nhánh của Ngân hàng Agribank đã ngăn chặn thành công 10 vụ lừa đảo với tổng số tiền lên đến gần 800 triệu đồng. Những vụ việc tương tự cũng xảy ra hàng loạt tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, những người bị lừa đảo hầu hết là người cao tuổi, ít có điều kiện tiếp xúc, cập nhật thông tin. Thậm chí có một số trường hợp nạn nhân chỉ sử dụng điện thoại "cục gạch" cũng bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ mua smartphone và làm theo yêu cầu của chúng để chuyển tiền.
Theo khuyến cáo, cảnh báo của cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, đặc biệt là nhằm vào những người già ở các vùng nông thôn. Những kẻ lừa đảo này giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát để thông báo về hành vi liên quan đến bắt giam, tù tội để khống chế, thao túng tâm lý nạn nhân. Cơ quan công an cũng khẳng định tuyệt đối không có việc công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Do vậy, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý khi có nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ TT-TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc bộ, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Cụ thể, kể từ ngày 27.10.2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc bộ là Văn phòng bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện gọi tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ có hiển thị tên định danh "BO TTTT". Cũng từ ngày 27.10, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh, chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), MobiFone, VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)… Theo Bộ TT-TT, giải pháp này sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Có xử lý được triệt để?
Trao đổi với Thanh Niên xung quanh những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mạo danh lừa đảo, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, đánh giá những giải pháp mà Bộ TT-TT đưa ra là cần thiết, và phần nào đó nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Tuy nhiên, để nói rằng đây là giải pháp toàn diện nhằm khắc phục triệt để cuộc gọi lừa đảo thì chưa hẳn. Bởi lẽ những cuộc gọi định danh hiện nay là dịch vụ được nhà mạng khai thác thu phí, bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào trả phí cũng sẽ được cấp tên theo yêu cầu. Do đó, để hình thức định danh được củng cố niềm tin, Bộ TT-TT cần rà soát lại dịch vụ đăng ký tên định danh mà các nhà mạng đang cung cấp. Bên cạnh đó, các hình thức lừa đảo hiện nay không chỉ có mạo danh Bộ TT-TT mà còn nhiều cơ quan, ban ngành khác. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh cả nhân viên công lực như cơ quan thuế để đến thu tiền trực tiếp các cửa hàng đang kinh doanh. Như vậy, mới chỉ có các đơn vị thuộc Bộ TT-TT định danh là chưa đủ.
Đó là một thực tế khi mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã phát đi cảnh báo và khuyến cáo người dân cảnh giác với các thông tin sử dụng logo, tên của đơn vị này và đối tác Amazon Global Selling VN để lừa đảo. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp VN, Cục đã phối hợp triển khai sáng kiến "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá", nâng cao cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử. Trong thời gian triển khai thỏa thuận hợp tác, hai đơn vị đã và đang hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận cơ hội với thương mại điện tử xuyên biên giới, đưa hàng Việt chinh phục thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, sự lan tỏa rộng rãi và sự tham gia hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp trong các chương trình này đã khiến các đối tượng lợi dụng, có hành vi lừa đảo doanh nghiệp, người dân. Theo đó, các đối tượng đã cố tình sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling khiến doanh nghiệp và người dân hiểu lầm đây là hoạt động của chương trình hợp tác, từ đó đưa các thông tin lừa đảo, dẫn dụ người dùng tham gia các hoạt động kinh doanh của chúng.
Vì thế ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty công nghệ an ninh mạng quốc gia VN (NCS), cũng cho rằng: "Các giải pháp của Bộ TT-TT là cần thiết, tuy nhiên để hạn chế triệt để vấn nạn lừa đảo thì cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác. Cách thức cuộc gọi định danh cần phải thực hiện cùng lúc với các cơ quan khác như công an, tòa án hay cơ quan thuế. Mặc dù các cơ quan này đều công bố không giải quyết công vụ với người dân qua điện thoại, nhưng không phải ai cũng nắm được thông tin này. Các trường hợp mạo danh qua điện thoại để lừa đảo đã xảy ra cho thấy các đối tượng thao túng tâm lý nạn nhân và dẫn dắt theo kịch bản mà chúng đã dàn dựng sẵn. Do đó, nếu chỉ dùng cuộc gọi định danh thì khó giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo. Các giải pháp khác cần triển khai đồng bộ là chấn chỉnh tình trạng SIM rác, cuộc gọi nặc danh và nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân".
Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số vô tuyến điện… hoặc xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (VinaPhone, Viettel, FPT...), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.
Bình luận (0)