Dinh dưỡng đúng cách cho trẻ ở độ tuổi dậy thì

21/10/2021 04:10 GMT+7

Dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn phát triển, ở tuổi dậy thì là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Vậy dinh dưỡng như thế nào là hợp lý, tránh tình trạng “lợi bất cập hại”?

Theo các bác sĩ (BS), giai đoạn dậy thì là thời điểm trẻ phát triển nhanh, tăng trưởng vượt bậc, nhiều thay đổi về hệ thần kinh và nội tiết. Thông thường, giai đoạn này ở vào khoảng 8 - 11 tuổi với nữ và 9 - 12 tuổi với nam. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển này.

Không lạm dụng sản phẩm tăng chiều cao

Nhiều phụ huynh vì quá “áp lực” trong việc tăng chiều cao ở con nên đã liên tục bổ sung cho con các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp tăng chiều cao mà không theo bất kỳ sự giám sát, chỉ định nào của BS.

BS Ngô Thị Xuân Bích, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết nhiều phụ huynh có quan niệm khá đơn thuần về việc bổ sung thực phẩm chức năng được quảng cáo “thần thánh hóa” từ can xi, collagen thủy phân, thuốc hỗ trợ phát triển chiều cao thần tốc, a xít amin… để giúp trẻ phát triển vượt trội.

Gợi ý thực đơn bữa sáng lý tưởng cho các bạn nhỏ

AN DY

“Nhiều trường hợp không cần thiết và số khác ảnh hưởng đến nội tiết, cũng như sự phát triển của trẻ nếu tự ý bổ sung. Có một số trường hợp tự ý, lạm dụng thực phẩm chức năng, cho trẻ sử dụng can xi liều cao, vượt quá mức cho phép làm lắng đọng can xi gây sỏi thận ở trẻ...”, BS Bích lưu ý.

Dinh dưỡng đúng cách giúp trẻ phát triển tối ưu

Theo các BS dinh dưỡng, ở giai đoạn trước dậy thì, trung bình mỗi năm trẻ có thể tăng khoảng 5 cm. Tuy nhiên trong giai đoạn dậy thì, chiều cao trẻ có thể tăng gấp đôi nếu được bổ sung dinh dưỡng phù hợp và đúng cách. Ngược lại, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của cơ thể như chậm phát triển về thể chất, chậm phát triển trí tuệ, tăng nguy cơ mắc bệnh, ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ về sau.

Theo BS Bích, phụ huynh nên trang bị kiến thức dinh dưỡng đúng cách để chăm sóc trẻ ở tuổi dậy thì. Lưu ý, ở giai đoạn này không được để trẻ bỏ bữa sáng, với thực đơn bữa sáng đầy đủ tinh bột, sữa, trứng, ngũ cốc... Hạn chế đồ uống có ga, ngủ sớm và ngủ đủ giấc 8 - 10 tiếng/đêm; tăng cường vitamin và khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch; tập những động tác thể dục tăng chiều cao; chia nhỏ bữa ăn để kích hoạt quá trình trao đổi chất.

Trước tiên, cần chú ý đến nguyên tắc đảm bảo đủ năng lượng. Cụ thể, trẻ từ 9 - 14 tuổi thì mức năng lượng cần có là 1.400 - 2.200 calo/ngày ở trẻ gái và 1.600 - 2.600 calo/ngày ở trẻ trai. Trong giai đoạn dậy thì, mỗi ngày trẻ cần từ 2.200 - 2.400 calo, tương đương lượng ăn của một người trưởng thành.

Giai đoạn này, cơ bắp cũng bắt đầu phát triển nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Chất đạm nên chiếm từ 14 - 15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, tương đương 70 - 80 gr/ngày với các lựa chọn thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… Nên phối hợp cả đạm động vật và đạm thực vật.

Bên cạnh đó, chất béo là nguồn cung cấp năng lượng tốt và giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật, khoảng 40 - 50 gr/ngày.

Trong độ tuổi phát triển, trẻ cũng cần được cung cấp bữa ăn đầy đủ chất bột, đường có trong gạo, bột mì. Đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất như can xi, sắt, vitamin...

Để trẻ phát triển tốt về chiều cao và phòng được bệnh loãng xương về sau, giai đoạn này trẻ cần bổ sung can xi từ 1.000 - 1.200 mg/ngày và ưu tiên can xi từ thực phẩm như sữa chua, phô mai, váng sữa, các loại thủy sản, xương cá (ninh lấy nước hoặc xay nấu cháo), vừng, rau có màu xanh đậm. Trẻ cũng cần được bổ sung đầy đủ sắt có nhiều trong thịt, tạng động vật, lòng đỏ trứng, các loại đậu. Nước cũng phải được tăng cường mỗi ngày ở mức 1,5 - 2 lít/ngày... để đảm bảo điều kiện cần và đủ cho cơ thể hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.