Dinh dưỡng học đường: Yếu tố quyết định chiều cao, thể lực khi trưởng thành

12/10/2024 17:34 GMT+7

86% chiều cao tối đa khi trưởng thành được quyết định trong giai đoạn dưới 12 tuổi. Dinh dưỡng học đường đóng vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao và thể lực.

Thành thị và nông thôn đều sẽ có bữa ăn học đường

Hôm nay 12.10, tại Hà Nội, hơn 300 đại biểu là các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học trong nước và chuyên gia đến từ Nhật Bản, Mỹ đã tham dự hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường. Hội thảo do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH.

Dinh dưỡng học đường: Yếu tố quyết định chiều cao, thể lực khi trưởng thành- Ảnh 1.

Bữa ăn học đường cần đảm bảo dinh dưỡng theo khuyến nghị phù hợp lứa tuổi để ngừa suy dinh dưỡng, kiểm soát nguy cơ béo phì

ẢNH: KHUÊ ANH

Tại hội thảo, PGS-TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đánh giá trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi), thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2%. Gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó thừa cân, béo phì ở trẻ 5 - 19 tuổi lên đến 19% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm).

Theo ông Dương, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, với những mục tiêu cụ thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược bao gồm: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2030; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, đặc biệt là ở khu vực thành thị, với mục tiêu giữ tỷ lệ này ở mức dưới 19% cho trẻ từ 5 - 18 tuổi vào năm 2030.

Tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với 60% trường học ở thành thị và 40% ở nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường, với thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025; phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng cho rằng, trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi những giải pháp can thiệp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình.

Dinh dưỡng học đường: Yếu tố quyết định chiều cao, thể lực khi trưởng thành- Ảnh 2.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, khoảng 86% chiều cao tối đa khi trưởng thành được quyết định trong giai đoạn dưới 12 tuổi

ẢNH: THÚY ANH

Cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách về dinh dưỡng, để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, và đã đến lúc cần xây dựng luật Dinh dưỡng học đường.

PGS Dương nhấn mạnh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong giai đoạn dưới 12 tuổi, đây chính là thời điểm quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực. Ngoài ra, cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc phát triển chiều cao phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%.

Dinh dưỡng học đường nâng cao tầm vóc

Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người, trong đó có 2 giai đoạn quan trọng là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và kế tiếp là giai đoạn từ 2 - 12 tuổi, lứa tuổi học đường. Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

Về những thành công của chương trình bữa ăn học đường với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tại Nhật Bản, GS Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, chia sẻ năm 1954, Nhật Bản đã ban hành luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản ban hành luật Cơ bản về giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng.

Theo GS Nakamura Teiji, luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật Bản đã áp dụng chương trình này. Qua đó, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tầm vóc, chiều cao trung bình đều tăng.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật là: nam 1,72 m và nữ 1,58 m. Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt chỉ là 1,5 m và 1,49 m.

Tại hội thảo, GS-TS - bác sĩ Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho rằng việc luật hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ.

Các hoạt động về dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.

Luật cũng là căn cứ để quy định những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.