Cứ sáu trẻ em trong độ tuổi 8 - 14 thì có một trẻ bị mắc các vấn đề về thần kinh như đau đầu, khó ngủ, lo lắng, cáu kỉnh do thường xuyên đến trường hoặc đi ngủ trong tình trạng đói bụng.
Đó là nội dung một báo cáo mới đây của Dự án An sinh trẻ em Úc ( Australian Child Wellbeing Project - ACWP), theo The Conversation.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy, đói, suy dinh dưỡng và chế độ dinh dưỡng kém tác động đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của trẻ em.
Một cuộc khảo sát trẻ em ở Mỹ cũng báo cáo rằng những trẻ em không được ăn uống đầy đủ thường gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm cao hơn so với những trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt.
Trong khi đó, ở Bombay (Ấn Độ), khảo sát 129 trẻ em bị suy dinh dưỡng cho thấy số trẻ này có chỉ số thông minh IQ thấp hơn và 60% mắc chứng tăng động, rối loạn giảm chú ý hay còn gọi là ADHD so với các bạn khác.
Để giải thích cho hiện tượng trên, các nhà khoa học cho biết, não chúng ta được tạo thành từ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất béo, carbohydrate, protein và các vi chất như vitamin và khoáng chất. Vì vậy, thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây ra một loạt các biến chứng nghiêm trọng, tiêu cực đối với não và sức khỏe tổng quát của cơ thể. Ví dụ, thiếu i-ốt là nguyên nhân gây ra sự chậm phát triển nhận thức, tổn thương não; độ folate thấp có liên quan đến bệnh trầm cảm; trong khi các axit béo omega -3 có thể cải thiện sức khỏe tinh thần.
Trong một thử nghiệm kiểm soát giả dược, bổ sung vitamin, khoáng chất hằng ngày có thể giảm hành vi bạo lực của trẻ vị thành niên phạm tội lên đến 40%. Bên cạnh đó, điều này còn giảm các hành vi chống đối xã hội khoảng 47% ở trẻ trong độ tuổi từ 6 -12.
Từ những nghiên cứu trên có thể thấy rằng, việc quan tâm, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em là một việc làm quan trọng không chỉ về mặt sức khỏe, tinh thần cho sự phát triển của các em, mà về lâu dài còn giảm đáng kể những hành vi nghịch tâm lý xã hội khi trưởng thành.
Bình luận (0)