Đình làng kỳ sự: Độc đáo cặp câu đối được Phan Khôi chỉnh sửa

16/08/2018 15:09 GMT+7

Vốn tính khẳng khái, tác giả bài thơ Tình già - Phan Khôi đã không cả nể khi lên tiếng chỉnh sửa cặp câu đối của Nguyễn Bá Trác tặng cho đình Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang, TX.Điện Bàn, Quảng Nam).

Bớt hai từ của… quan tổng đốc

Đình Bảo An là di tích lịch sử cấp tỉnh nổi tiếng của vùng Gò Nổi. Theo nhiều tài liệu, đình được xây dựng vào năm 1702 chỉ bằng tranh tre để thờ tiền hiền khai canh, lập địa theo bước chân nam tiến mở mang bờ cõi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình đã bị hủy hoại nhiều lần và được xây dựng lại vào các năm 1848, 1955.

Năm 2013, đình được khánh thành sau 3 năm trùng tu. Vốn là mảnh đất văn vật bậc nhất xứ Quảng bởi vậy làng Bảo An cũng lưu giữ nhiều câu chuyện về những nhân tài là con em của làng. Một trong những câu chuyện thú vị là cuộc “va chạm” chữ nghĩa giữa Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác.

Đình làng Bảo An được xây dựng lại bề thế ẢNH: HOÀNG SƠN

Cụ Nguyễn Xuân Sinh (87 tuổi), một người am hiểu chữ nho sinh sống tại làng Bảo An cho biết cụ được những bậc cao niên kể lại rằng sau khi quan Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Bá Trác tặng 2 câu đối cho làng, Phan Khôi vì không phục đã lên tiếng “chỉnh lại cho chuẩn” để treo trong đình.

Tác giả Lê Thí trong bài Hai câu đối ở đình làng Bảo đã kể lại câu chuyện này. Chuyện kể, khi làm Tổng đốc Thanh Hóa, trong một lần về thăm nhà, Nguyễn Bá Trác được mời đến dự lễ tế ở đình làng.

“Quan Tổng đốc đã đi cho làng một câu đối để treo ở đình với nội dung: Bảo ngã tử tôn lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ/An như Thái Sơn bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư”, tác giả Lê Thí viết, thấy câu đối, Phan Khôi lúc này đang ở đình làng liền nói với Nguyễn Bá Trác rằng hai câu này chỉ phù hợp treo ở nhà Nguyễn Bá Trác.

Phan Khôi cho rằng hai câu đối này không đại diện cho cả làng Bảo An. Ông lý giải, vế thứ nhất có chữ Tử tôn là cháu con là chưa rõ và chưa phù hợp. Ở vế thứ hai, vì đã có Thái Sơn nên có thêm chữ Bàn thạch là thừa chữ. Để cặp câu đối vừa gọn, chỉnh hơn, Phan Khôi đã đề nghị bỏ hai từ này.

Theo tác giả Lê Thí, lúc này các chức sắc trong làng đều tỏ ra ái ngại với quan tổng đốc vì lời góp ý quá thẳng của Phan Khôi. Bởi tác giả Tình già chỉ mới đỗ tú tài trong khi đó Nguyễn Bá Trác là cử nhân. Tuy vậy, vì trọng tài năng của Phan Khôi cũng như hiểu được tính cách của ông mà Nguyễn Bá Trác đã chấp thuận sửa lại hai câu đối, trước sự chứng kiến của nhiều người.

Xưa kia, tại ngôi đình này từng treo hai câu đối mà tục lưu truyền Phan Khôi đã chỉnh sửa lại ẢNH: HOÀNG SƠN

Về sau, hai câu đối được sửa thành: Bảo ngã lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ/An như bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư (tạm dịch: Hãy giúp dân ta, ba xã giàu sang Diên Phước ở/Vững như tảng đá, đôi sông ôm kín giữ gìn nơi).

Hai câu đối này được người làng gìn giữ và treo trang trọng trong đình. “Câu chuyện cặp câu đối được sáng tác và hoàn thiện bởi hai tác giả là hai nhân tài được nhiều người già trong làng Bảo An ngày nay lưu truyền. Thế nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, đình làng cũng vài lần dựng lại nên hai câu đối này đã biến mất và không được nhắc lại”, cụ Sinh kể.

Người “tìm chữ” cho đình làng

Cụ Nguyễn Xuân Sinh nguyên là một giáo viên, từng dạy học nhiều nơi trước khi về sinh sống trên mảnh đất văn vật nổi tiếng xứ Quảng này. Vì yêu thơ văn chữ nho mà cụ đã không tiếc thời gian tự mày mò tìm hiểu thêm.

Ở làng Bảo An ngày nay, những người như độ tuổi cụ đã hiếm, hiểu chữ nho để “tìm chữ” cho ngôi đình càng hiếm hơn. Bởi vậy, cách đây gần chục năm khi dân làng quyết định đại trùng tu ngôi đình, cụ Sinh đã được Ban trị sự làng mời đứng ra chỉ huy việc xây dựng cho đến cách thờ tự.

Cụ Nguyễn Xuân Sinh (87 tuổi), một người am hiểu chữ nho đã cất công tìm chữ cho ngôi đình ẢNH: HOÀNG SƠN

“Tôi chỉ nhờ một kỹ sư lên bản vẽ thiết kế phần móng để có kết cấu bền vững. Những phần còn lại, tôi tự tìm hiểu, tham quan các đình làng khác rồi dùng điện thoại chụp lại. Cái gì đẹp thì tôi chỉ cho thợ làm”, cụ Sinh kể.

Trong 3 năm thì xong phần “cốt”. Để tìm phần “hồn” là những câu viết trên hoành phi, liễn đối, cụ Sinh nhiều đêm liền thức trắng “tìm chữ, ghép nghĩa”.

Cụ tiếp lời, khi chưa tu bổ, trong tẩm chính của đình thờ chữ Càn khôn nhưng đây là chữ không phù hợp nên cụ đã tham khảo nhiều người am hiểu và chọn chữ Thần để thờ. Những liễn đối trong đình hiện nay cũng khác trước. “Tôi là tác giả hai câu đối trong tẩm: Bắc địa sơn khê thiên chiếu anh tài cư kiến tạo/Nam thiên đáo xứ địa linh nhân kiệt khởi giang sơn. Đây là hai câu đối cực kỳ quan trọng vì nằm trong tẩm chính. Do vậy, để câu đối chuẩn nhất, tôi đã đi tìm hiểu những người giỏi chữ nho để tham khảo”, cụ Sinh nhớ lại.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn lặn lội tìm gặp nhiều “cao nhân” về chữ nho tại Đại Lộc, Hội An (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) để xin hỏi ý kiến. Kết quả là cụ còn được khen vì hai câu đối hay.

Cụ Sinh là người đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu và viết nên hai câu đối ngay cổng đình Bảo An ngày nay ẢNH: HOÀNG SƠN

Là người có tính cách cẩn thận và mê chữ nghĩa nên trong ngôi đình Bảo An, cụ Sinh đã viết rất nhiều câu đối treo đối xứng các trụ. Đặc biệt, tại hai trụ biểu trước cổng đình, cụ dành để ca ngợi công trạng của các bậc tiền hiền: Khắc xương khuyết hậu tinh thần thừa vĩnh thiên niên/Hữu khai tất tiên công đức hiển lưu vạn thế.

Những người am hiểu chữ nho khi vào ngôi đình cũng rất nể phục trước vế đối hay. Chẳng hạn, bên trong tả ban, cụ Sinh đề chữ Quang tuyền, Dụ hậu với đại ý là những việc tốt để lại cho con cháu. Hay Nhược lâm, Như tại với đại ý không phân biệt ai lớn ai nhỏ. “Đã nói chữ là phải dùng chữ”, cụ Sinh khề khà.

Ngôi đình diễn ra nhiều sự kiện quan trọng

Ông Nguyễn Tứ, Phó trưởng ban trị sự làng cho biết ngày 17.8.1945, người dân đã tập trung tại đình Bảo An và chuẩn bị gậy gộc, giáo mác để khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khởi nghĩa thành công, tại sân đình đã diễn ra nhiều sự kiện như Tuần lễ vàng kêu gọi kháng chiến, hũ gạo kháng chiến… “Ông Trần Tống, 1 trong 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đã đến đến đình làng tuyên truyền, cổ động tổng tuyển cử bàn Quốc hội khóa 1”, ông Tứ cho biết thêm. Làng Bảo An cũng nổi tiếng là quê của Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.