Đỉnh lũ miền Tây vừa đi qua

13/10/2024 17:36 GMT+7

Đỉnh lũ miền Tây, ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long ghi nhận xảy ra vào những ngày đầu tháng 10, hiện giảm dần. Tuy nhiên, triều cường cao tiếp tục gây ngập cho các địa phương vùng giữa và ven biển.

Miền Tây đi qua đỉnh lũ nhưng ngập vẫn ở mức báo động

Đỉnh lũ miền Tây năm nay được ghi nhận vào ngày 4 tháng 10 tại trạm Tân Châu trên sông Tiền với mức nước đạt 3,38 m. Mức đỉnh lũ này cao hơn năm 2023 là 0,29 m nhưng vẫn thấp hơn báo động 1 là 0,12 m và dưới mức trung bình nhiều năm 0,49 m. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết đây là dấu hiệu quan trọng trong việc theo dõi tình hình thủy văn khu vực. Việc theo dõi đỉnh lũ miền Tây giúp dự đoán và quản lý tốt hơn các rủi ro thiên tai.

Đỉnh lũ miền Tây vừa đi qua- Ảnh 1.

Đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh lũ của năm vào ngày 4 - 5.10

ẢNH: QUỐC DŨNG

Mực nước cao nhất tại Châu Đốc trên sông Hậu ghi nhận vào ngày 5.10 là 3,14 m; cao hơn đỉnh lũ năm 2023 là 0,21 m và cao hơn mức báo động 1 là 0,14 m, nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm 0,35 m.

Hiện mức nước sông có xu thế giảm theo thủy triều và nước thượng nguồn về giảm, đến ngày 10.10 mực nước tại Tâu Châu chỉ còn 3,09 m và tại Châu Đốc là 2,9 m.

Dù nước lũ đầu nguồn về giảm nhưng triều cường có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 18 - 20.10. Đỉnh triều cường sắp tới cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn mức báo động 3. Điều này cũng khiến mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long tăng trở lại theo triều nhưng vẫn thấp hơn đỉnh lũ đầu tháng 10.

Đỉnh lũ miền Tây vừa đi qua- Ảnh 2.

TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL sẽ đối mặt với đợt triều cường cao từ ngày 18 - 20.10

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cảnh báo các khu vực vùng giữa của ĐBSCL có khả năng bị ngập do triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn. Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu dự báo vượt báo động 3 từ 10 - 20 cm, còn tại Mỹ Thuận trên sông Tiền cao hơn báo động 3 từ 20 - 30 cm. Trong trường hợp cực đoan, vào thời điểm triều cường dâng cao xuất hiện thêm mưa lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể tăng thêm từ 5 - 10 cm. Cảnh báo: Triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL vào các ngày từ 17 - 22.10. Đặc biệt là trên địa bàn vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long. Các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng. Một số địa phương vùng bán đảo Cà Mau gồm TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, H.Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang; các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, TX.Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng; TP.Cà Mau, huyện Thới Bình, Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau…

Nhiều thủy điện thượng nguồn đầy nước

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong) cho biết: Các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong tiếp tục tăng cường tích nước trong tuần qua với lượng lên tới 1 tỉ mét khối. Những hoạt động tích nước lớn đáng chú như đến từ đập thủy điện của Trung Quốc như đập Tiểu Loan, 529 triệu mét khối và hiện đã đầy 100%, Nọa Trát Độ (Trung Quốc), 311 triệu mét khối và Cảnh Hồng 112 triệu mét khối…

"Chúng tôi ước tính rằng 55 hồ chứa lớn nhất trên sông Mekong hiện đang giữ hơn 45 tỉ mét khối nước, tăng đáng kể so với con số 37 tỉ mét khối nước vào cùng thời điểm năm ngoái. Hai hồ chứa lớn nhất của Trung Quốc, Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, đang được tích trữ nước ở mức cao hơn so với năm trước. Những hoạt động tích nước này sẽ dẫn đến việc mực nước sông ở hạ lưu trong mùa mưa thấp hơn mức bình thường. Ngược lại, vào mùa khô việc xả nước từ các hồ chứa sẽ khiến mực nước sông ở hạ lưu dâng cao hơn mức tự nhiên. Từ đó, chúng tôi có thể dự đoán rằng mực nước sông trong mùa khô năm 2025 sẽ cao hơn so với mùa khô năm 2024", các chuyên gia của MDM dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.