Định mức thấp khiến cán bộ nghĩ cách 'vận dụng linh hoạt', dẫn đến sai phạm

23/08/2022 19:25 GMT+7

Các thành viên đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội nêu vấn đề định mức, tiêu chuẩn rất thấp và lỗi thời khiến cán bộ, công chức phải "vận dụng linh hoạt", từ đó dẫn đến sai phạm.

Tiêu chuẩn, định mức thấp khiến cán bộ dễ sai phạm

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại cuộc làm việc

gia hân

Sáng 23.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo tại cuộc làm việc của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, Bộ đã tiết kiệm được 6.087,9 tỉ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Cạnh đó, cắt giảm 100% các dự án đầu tư công không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản…

Ngoài ra, Bộ đã giảm giá trị đề nghị quyết toán hơn 27.000 tỉ đồng; đã chuyển dịch hơn 230.000 ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp; xử lý, thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai…

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát lưu ý một số văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính vẫn chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, một số văn bản chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành chậm hơn so với thời điểm Luật có hiệu lực, một số vướng mắc chậm hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thực tế giám sát tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, có những tồn tại, bất cập do quy định trong một số luật chuyên ngành đã được chỉ ra từ năm 2012 - 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, gây thất thoát, lãng phí.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

gia hân

Từ đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá làm rõ hơn những bất cập tại các luật chuyên ngành khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước bị thất thoát, lãng phí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

“Giám sát của Quốc hội là cơ hội rất lớn để chúng ta hoàn thiện chính sách, pháp luật để quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước hiệu quả hơn”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ, thành viên Đoàn giám sát, nói.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn rất thấp, đã “lỗi thời” trong thời gian qua vì nếu không sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thì rất dễ làm cho cán bộ, công chức buộc phải nghĩ cách để “vận dụng linh hoạt”, từ đó dẫn đến vi phạm, làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn.

Tiết kiệm không phải như "cây kéo" cắt xén chi tiêu

Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội gợi mở Đoàn giám sát nên kiến nghị Chính phủ đổi mới việc ban hành Chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức thực hiện chương trình.

“Thay vì chương trình năm nào cũng gần giống nhau, còn hình thức thì mỗi năm nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nổi lên, có mục tiêu cụ thể để tạo chuyển biến rõ rệt. Khi ban hành xong phải tổ chức triển khai, thu thập, đánh giá, tổng kết hiệu quả cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nêu, và cho rằng “nếu vẫn duy trì cách làm như trước đây thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ còn hình thức”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại cuộc làm việc

gia hân

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý Đoàn giám sát nghiên cứu kiến nghị phát động một cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng trong toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ cụ thể tại Nhật Bản, các công sở chỉ được bật điều hoà ở 28 độ, trong khi chúng ta đến công sở vẫn bật 18 - 20 độ suốt cả ngày vừa ảnh hưởng sức khoẻ, vừa lãng phí nguồn lực.

“Những quy định cụ thể như vậy nhưng hiệu quả, tác dụng rất lớn. Giám sát của Quốc hội có đề xuất được những việc như vậy không?”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, các tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư, khoa học công nghệ... cũng tương tự như vậy.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngành tài chính phải lo cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia nên cũng luôn phải cẩn trọng hơn, luôn thực hiện tinh thần "nếu 1 tỉ đồng mà cần thiết thì chi ngay nhưng 1 đồng mà không cần thiết cũng không chi".

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tiết kiệm, chống lãng phí không phải đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà một khía cạnh khác rất quan trọng là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Do đó, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với ngành tài chính cần tiếp cận theo hướng này chứ phải chỉ là câu chuyện mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu tiền.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát lại, chỉ rõ những văn bản nào đang gây ách tắc cả về nhân lực, vật lực, tài lực để tập trung tháo gỡ.

Cùng đó, rà soát, quy định định mức chi thường xuyên theo hướng ban hành định mức khung và phân cấp để các bộ, ngành, địa phương chủ động quy định, thực hiện, gắn với đó là cơ chế khoán chi; đánh giá lại việc khoán xe công, xem xét lại các định mức về chi tiêu công, tài sản công và xe công; đánh giá, báo cáo tổng hợp nguồn cải cách tiền lương; thu hồi các khoản cho vay của ngân sách nhà nước; xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ; rà soát, xác định lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật về thuế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.