Trong Từ điển bách khoa thế giới xuất bản năm 2015 các nhà nghiên cứu đã định nghĩa bánh trung thu như sau:
Minh họa: DAD
|
Bánh trung thu đa số có hình tròn to bằng bàn tay nhưng cũng có một vài chiếc to như cái đĩa, được làm và bán ở một số nước châu Á nhân dịp trăng tròn nhưng đa số người ta thường mua và ăn vào lúc trăng méo.
Sở dĩ có chữ "trung" đằng trước vì bánh có thể được bán ở khắp nơi nhưng chủ yếu là trên vỉa hè, chung với xe cộ qua lại, chung với mưa nắng, bụi bặm và tất nhiên chung cả với ruồi muỗi. Bánh cũng để cạnh, để chung với các món ăn khác như nước mía, bún riêu, xôi, bánh mì, lá cây và sâu trên cây mọc ở phố.
Bánh có thể làm ra trong các gian nhà chật chội, chung với quần áo, chổi quét nhà, cuốc xẻng và guốc dép. Trẻ con có thể ngủ chung với khay bột bánh và chó mèo có thể đi chung lối với bánh.
Nhân bánh là một sự trộn chung giữa đủ thứ bí hiểm trên đời, từ thịt gà, thịt heo, thịt cá và thịt những con gì đó. Ở đây vị ngọt, vị mặn, vị cay và vị đắng, vị khét có thể chung nhau. Các loại hạt, loại mùi vị, loại pha chế chung lẫn lộn từ châu Âu sang châu Á, từ thành thị tới nông thôn.
Chẳng những chung về khẩu vị, nhân bánh còn chung về màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng và da cam, cháo lòng đều có đủ. Tuy giá bánh rất khác nhau, nhưng thành phần nguyên liệu có thể vẫn chung nhau, rất nhiều khi đều xuất phát từ một cái mẹt cả.
Khi khách khứa mua bánh, có thể xếp chung không cần theo thứ tự đủ thứ trong hộp: trà, rượu, nước giải khát, thuốc đau bụng hoặc thuốc giải độc. Một số hiệu bánh cẩn thận còn xếp thêm thuốc xổ hoặc thuốc nhuận tràng. Tại một số khách sạn lớn, bánh còn được xếp chung với hình các thiếu nữ đẹp.
Hộp bánh in hình rất nhiều biểu tượng chung. Có khi mặt trăng đứng cạnh chị Hằng, có lúc chị Hằng ngồi cạnh một ông mặc comple, hoặc chả thấy trăng đâu, chả thấy chị Hằng đâu chỉ thấy những hình vẽ kỳ dị khó hiểu xếp chung lẫn lộn với nhau chả theo thứ tự gì cả.
Rất nhiều khách mua bánh không phải để ăn mà để "chung", nghĩa là đưa cho kẻ khác. Một hộp bánh có thể "chung" qua "chung" lại nhiều lần đến cũ nát mà chưa được mở ra. Có nhiều bánh sau cả tháng phiêu du lại đi về với chủ.
Nói chung, toàn thành phố chung một nỗi khổ vì bánh trung thu.
Về chữ "thu" cũng có rất nhiều lý do. Đầu tiên là những người làm bánh thu rất nhiều lãi, đến mức nếu cho họ lên truyền hình dự báo thời tiết, lúc nào họ cũng bảo: "Mùa thu vẫn đến". Sau đó các nhà quảng cáo thu rất nhiều tiền vì ra rả nói về sự đầm ấm của việc cả nhà quây quần bên hộp bánh cứ như không có thứ ấy thì mọi gia đình đều tan nát. Các cơ sở sản xuất hộp giấy, sản xuất thuốc chống ẩm và in ấn cũng thu khá đậm. Các tiệm thuốc mùa này cũng thu khá nhiều tiền.
Điều kỳ lạ là về nguyên tắc, bánh trung thu dành cho trẻ con nhưng thu nhiều nhất bánh mỗi năm lại là một vài người lớn già. Đa số những người già này ăn nửa cái bánh cũng không nổi, nhưng lại chất đầy hộp trong nhà!
Bình luận (0)